Bà con nông dân xã Mỹ Lâm (Cát Tiên) thu hoạch vụ Đông Xuân được mùa giữa nắng hạn. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN |
Tại huyện Cát Tiên, trong những ngày này, bà con ở khu vực vùng trũng Mỹ Lâm đang hối hả gặt nốt những trà lúa chín muộn. Mặc dù thời tiết năm nay khá khắc nghiệt, mưa muộn khiến thời gian khô hạn kéo dài, nhưng hầu hết diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn đều cho thu hoạch với năng xuất cao, dù giai đoạn lúa vào thời kỳ trỗ hạt đã bắt đầu gặp khô hạn.
Bà con nông dân cho biết năm nay, nhờ hệ thống ao hồ nhỏ kịp đào từ thời gian trước đã trữ đủ nước để bơm chống hạn cho các diện tích canh tác gặp phải thời gian nắng nóng kéo dài.
Chị Dương Thị Kim Tuyến, 43 tuổi ở thôn, xã Mỹ Lâm cho hay, từ khi lúa gần trỗ thì vùng này đã khô hạn nặng, sông suối không có còn nước để bơm lên ruộng. Cũng may trên hồ Đắc Nô tháo nước về, nhưng cũng chỉ đủ chảy vào các ao hồ nhỏ. Gia đình đã phải dùng máy bơm để cứu lúa nên năm nay không bị mất mùa, năng xuất vẫn đạt tới khoảng 10 tấn/ha.
Đề án phát triển ao hồ nhỏ phục vụ chương trình phát triển nông thôn mới đã triển khai tại các huyện Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh …là vùng thường xảy ra khô hạn của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2016. Trong năm 2018, 3 địa phương này đã đào được 149 ao hồ, phục vụ nước tưới cho khoảng 677 ha đất canh tác, trong khi tháng qua, khu vực các huyện này chưa hề có trận mưa nào.
Hệ thống ao hồ nhỏ đang phát huy tác dụng ở vùng trũng huyện Cát Tiên Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN |
Theo ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lâm (huyện Cát Tiên), hiện nay, địa phương có gần 300 ha lúa đã gặt, còn khoảng gần 50 ha nữa ở vùng trũng thấp. Nhờ chủ trương của UBND tỉnh cho đào ao hồ nhỏ nên trong 3 năm từ 2016- 2018, địa phương đã tổ chức cho nhân dân đào ao hồ nhỏ, đặc biệt là dưới bầu, hiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Cát Tiên là vùng sản xuất lúa nước lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích lúa gieo trồng hàng năm lên đến hơn 9.000ha/3 vụ. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô, ngoài hệ thống hồ đập, kênh mương thì huyện Cát Tiên còn được đầu tư 4 trạm bơm thủy lợi, với công suất cung cấp nguồn nước tưới từ 100 - 300ha/trạm. Bốn trạm bơm này được xây dựng tại các địa phương có diện tích đất sản xuất lúa lớn của địa phương như Phước Cát, Đức Phổ, Phù Mỹ và Quảng Ngãi. Tuy nhiên. các trạm bơm này đều được xây dựng cách đây gần 20 năm nên hiện tại đều đã bị hưu hỏng, xuống cấp.
Trong các năm 2016 và 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm. Theo đó, trạm bơm xã Quảng Ngãi được giao cho UBND huyện Cát Tiên làm chủ đầu tư; 3 trạm bơm còn lại tại xã Đức Phổ, Phù Mỹ và thị trấn Phước Cát do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau thời gian dài sửa chữa, nâng cấp, đến hiện tại mới chỉ có trạm bơm xã Quảng Ngãi đã hoàn thành đưa vào sử dụng với công suất tưới đạt 100%.
Trạm bơm Phước Cát mới chỉ đạt công suất tưới khoảng 40%, tương ứng 120/300ha. Riêng 2 trạm bơm Phù Mỹ và Đức Phổ đang trong quá trình thi công nên phải “đắp chiếu” chưa thể đưa vào sử dụng. Bởi vậy, nguồn nước tưới cho các cánh đồng khu vực vùng trũng chủ yếu dựa vào nguồn nước do người dân tự bơm từ các ao hồ nhỏ, được nhà nước hỗ trợ đào đắp.
Đề án phát triển ao hồ nhỏ phục vụ chương trình phát triển nông thôn mới được tỉnh Lâm Đồng triển khai với phương thức “Nhân dân thực hiện công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy”. Đất để đào ao do các hộ dân tự bố trí, nhà nước hỗ trợ phần ca máy tới 70% tại các vùng đặc biệt khó khăn, 50% đối với các vùng còn lại; mỗi ao, hồ phải có diện tích tối thiểu 500m2, dung tích 1.500m3, trữ đủ nước tưới, chống hạn cho 3 hộ gia đình hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại.
Hệ thống ao hồ nhỏ do nhà nước hỗ trợ nhân dân xây dựng trữ đủ nước cho mùa khô hạn ở Lâm Đồng. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN |
Mục tiêu đặt ra cho đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển được gần 5.600 ao hồ nhỏ, tương đương gần 560 ha diện tích mặt nước, phục vụ tưới tiêu, chống hạn cho trên 0,35% diện tích cây trồng toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Huề, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án này hiện đang phát huy hiệu quả ở nhiều phía. Đó là, vì nhà nước sẽ hỗ trợ ca máy, còn người dân hỗ trợ nhân công để hoàn thành ao chứa nước tưới nên người dân có trách nhiệm hơn khi thực hiện. Dự án cũng mang tính cộng đồng khi vài gia đình đến 1 nhóm hộ hiến đất để cùng nhau khai thác nguồn nước phát triển sản xuất nông nghiệp. Một ao nhỏ tưới được 5- 7 ha nhưng suất đầu tư thấp, có thể chỉ từ 20- 25 triệu/ao, người dân đóng 50%.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, cho tới thời điểm hết năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển được 1.727 ao hồ nhỏ với tổng nguồn vốn gần 41 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 22 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh này đặt ra kế hoạch phát triển thêm 786 ao hồ nhỏ, góp phần đáng kể, chủ động phục vụ chống hạn cho diện tích cây trồng trong những tháng mùa khô.
Chu Quốc Hùng