Mô hình nuôi dúi cho thu nhập cao ở Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Theo đó, trong năm 2020, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo (ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, phụ nữ) ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi hoặc bãi ngang ven biển, xã an toàn khu sẽ được tiếp cận kỹ thuật trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo và thoát cận nghèo. Các địa phương như: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, thị xã Đức Phổ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, thế mạnh cũng như thổ nhưỡng của địa phương mình triển khai 9 mô hình giảm nghèo như: chăn nuôi bò, dê, gà ta, gà kiến, nuôi heo ky sinh sản, mô hình cam sành… Đây là những mô hình có vốn đầu tư ban đầu thấp nhưng đem lại hiệu quả tốt. Điển hình như mô hình nuôi lợn ky ở huyện Sơn Hà, Sơn Tây. Bởi lợn ky là loại lợn rừng lai với lợn bản địa, dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc, nhiều nạc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa, thịt lợn ky còn được chế biển sản phẩm lợn ky xông khói, lạp xưởng lợn ky… Hay mô hình nuôi gà kiến của người dân bản địa Sơn Hà là giống gà của địa phương, rất phù hợp với các huyện miền núi. Việc cho gà ăn cũng theo quy định thức ăn như: Ngô, lúa, bã mì, trộn chung với nhau cho gà ăn để săn chắc thịt. Các mô hình chăn nuôi này đã được chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị tiêu thụ như Big C ở khu vực miền Trung và miền Nam, đảm bảo hướng tiêu thụ bền vững và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở và các địa phương liên quan hướng dẫn triển khai, thực hiện. Dự án sẽ được nhân rộng cho 598 hộ (370 hộ nghèo, 157 hộ cận nghèo và 71 hộ mới thoát nghèo) với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng của người dân được hưởng lợi và từ các nguồn vốn vay ưu đãi.
Sỹ Thắng