Nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường

Nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng hiện nay. Thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai, nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường, sản xuất lúa carbon thấp. Kết quả cho thấy, không chỉ giảm chi phí đầu vào, các mô hình canh tác lúa "xanh" còn nâng chất lượng hạt gạo, giúp gia tăng lợi nhuận đối với nông dân.

Nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường ảnh 1Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: baocantho.com.vn

Giảm phát thải khí nhà kính

Trong khuôn khổ dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC), thành phố Cần Thơ đã triển khai thí điểm 3 mô hình trình diễn sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính (carbon thấp) tại huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh, trên quy mô diện tích 15ha.

Mô hình sản xuất lúa carbon thấp cho thấy hiệu quả tăng lợi nhuận khoảng 20 – 30% so với sản xuất truyền thống. Điều này, tạo động lực và sự phấn khởi cho nông dân khi tham gia vào mô hình sản xuất lúa carbon thấp.

Các mô hình sản xuất lúa carbon thấp tập trung thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) sử dụng biện pháp tưới tiêu chủ động, quản lý nước theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, chủ động thu gom rơm rạ.

Đặc biệt, chỉ sử dụng lượng lúa giống gieo sạ với mật độ khoảng 100kg/ha (thấp hơn so với phương pháp sạ theo tập quán nông dân là 80kg/ha). Bên cạnh đó, mô hình cũng phối hợp sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong quá trình canh tác.

Sau khi áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, ông Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng (xã Đông Thuận, huyện Thới Lai) ước tính sơ bộ, năng suất lúa thu được khoảng 8 – 10 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm khoảng 50% so với vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, kéo theo lợi nhuận tăng khoảng 5,6 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Kim (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) cho biết, sau khi dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm kết thúc, không còn nhận được sự tài trợ, ông vẫn tiếp tục áp dụng sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Bởi lẽ, khi áp dụng phương pháp sản xuất giảm phát thải khí nhà kính giúp giảm chi phí đầu tư (phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động), giúp giảm lượng giống gieo sạ nhưng năng suất lúa vẫn không giảm. Từ đó, nâng cao lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Thông qua việc thu mẫu và xác định sản lượng lúa trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đánh giá, các mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đã góp phần giảm 25% tỷ lệ phát thải kính, có khả năng phát triển và nhân rộng trong thời gian tới.

Vụ lúa Đông Xuân này, được đánh giá là một vụ mùa thắng lợi với bà con nông dân tham gia dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm, khi gia tăng lợi nhuận từ 20 – 30% so với canh tác lúa truyền thống. Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ sẽ triển khai nhân rộng thêm 6 mô hình, tại các huyện sản xuất lúa trọng điểm của thành phố.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, mục tiêu của dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm khi triển khai các mô hình sản xuất lúa carbon thấp là giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa.

Mô hình hướng bà con nông dân chuyển đổi sản xuất từ canh tác 3 vụ lúa/năm, giảm còn 2 vụ lúa/năm và xen một vụ trồng rau màu khác. Ngoài áp dụng theo mô hình sản xuất lúa carbon thấp, người dân còn áp dụng thêm các biện pháp kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", từ đó tạo ra một vụ mùa thắng lợi.

Canh tác lúa thân thiện môi trường

Từ đầu năm 2022 đến nay, tổ hợp tác 2 lúa - 1 màu ở ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai bắt đầu ứng dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường thuộc dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường”. Tổ hợp tác có 37 thành viên chuyên trồng lúa giống, trên diện tích khoảng 35ha để cung ứng theo đơn đặt hàng cho Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Canh tác lúa thân thiện với môi trường chú trọng áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, giúp bà con nông dân tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân. Từ đó, giảm đáng kể chi phí sản xuất, đặc biệt là cây lúa giữ được năng suất, chất lượng.

Bên cạnh đó, các tổ viên tổ hợp tác 2 lúa - 1 màu khi tham gia dự án thay vì đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nguồn rơm rạ sẽ được thu gom, ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tiêu biểu là cung ứng cho các hộ trồng nấm rơm, rải gốc cây ăn trái hoặc các liếp đất để trồng rau màu. Phần rơm rạ còn lại trên đất sẽ được xử lý bằng men vi sinh để phân hủy, vừa tránh cho cái cây lúa bị ngộ độc hữu cơ, gốc rạ sau khi được phân hủy sẽ tạo ra lượng hữu cơ trả lại cho đất.

Vụ Đông Xuân 2022 – 2023 này, anh Trần Công Danh ước tính sản lượng lúa của tổ viên tham gia sản xuất lúa giống theo mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường đạt khoảng 1,2 tấn/công tầm lớn (1.300m2). Với giá lúa cao hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận bà con có thể thu được từ 5,8 – 6 triệu đồng/công, tùy loại giống và mật độ canh tác.

Theo anh Danh, làm ruộng là kinh tế quyết định của bà con tổ viên, ban đầu khi mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường triển khai tại tổ hợp tác, tổ viên rất e dè. Tuy nhiên, sản xuất lúa thân thiện với môi trường vừa giảm chi phí đầu vào lại khỏi lo đầu ra. Những hộ đã tham gia và thành công chính là niềm tin, động lực để các tổ viên khác tham gia.

Bà Lê Thị Hoa, Trưởng ban Kinh tế xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân (Hội nông dân thành phố Cần Thơ) cho biết, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng triển khai. Lợi ích mà dự án mang lại đó là chuyển biến từ nhận thức thành hành động của nông dân; giúp nông dân quan tâm hơn đến vấn đề sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường.

Từ các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm lượng nước tưới cho cây lúa thông qua hình thức tưới ngập khô xen kẽ, hướng đến mục tiêu giảm lượng phân bón hóa học, hạn chế tình trạng đất đai bị bạc màu.

Qua theo dõi và đánh giá hiệu quả áp dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Tân Thạnh, bà Hoa cho rằng, vụ Đông Xuân năm nay, các tổ viên của tổ hợp tác sẽ gia tăng được lợi nhuận so với những nông dân không áp dụng khoảng 8,3% - 8,5%.

Trong năm 2022, Hội nông dân thành phố Cần Thơ đã nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường ở xã Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh). Tiếp theo trong năm 2023, dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng tại một số địa phương của huyện Thới Lai và Cờ Đỏ.

Với những thành công bước đầu từ nhận thức đến hành động của một số nông dân tham gia các mô hình sản xuất lúa thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính từ các dự án sẽ là bước đệm để ngành nông nghiệp tuyên truyền rộng rãi người dân cùng áp dụng. Từ đó sẽ dần mở rộng diện tích canh tác lúa "xanh" - thân thiện môi trường.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm