Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do hạn mặn vừa qua, thời điểm này dù đang mùa mưa nhưng người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã có những phương án ứng phó sớm trước xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021. Đáng chú ý, đào ao trữ nước ngọt là sự lựa chọn của nhiều nhà vườn. Với cách làm này, người dân hy vọng có thể giúp cây giống, hoa kiểng chống chọi qua mùa hạn mặn.
Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Vĩnh Thành có 1,4 ha đất chuyên trồng cây giống và hoa kiểng. Hạn mặn vừa qua, độ mặn 14 - 15 phần nghìn xâm nhập và kéo dài nhiều tháng khiến mai kiểng chết khoảng 30%, cây giống sầu riêng bị ảnh hưởng khoảng 30%. Không có nguồn nước trữ tưới cây, để cứu số lượng cây giống còn lại, anh Hùng phải di chuyển cây giống đến địa điểm khác và mua nước ngọt để tưới. Hạn mặn khiến cho gia đình anh Hùng tốn khoảng 450 triệu đồng tiền mua nước tưới cây.
Trước những ảnh hưởng lớn từ hạn mặn, năm nay, anh Hùng dành 1.200 m2 đất để đào ao trữ nước ngọt chuẩn bị cho mùa khô sắp tới. Ao được anh thuê thợ đào sâu 5m, lót bạt trữ khoảng 6.000 m3 nước ưu tiên tưới cho cây giống sầu riêng (loại cây nhạy cảm với nước mặn), dự kiến sử dụng được trong khoảng 6 tháng. Với ao trữ nước này, anh Hùng hy vọng lượng nước trữ sẽ đủ để tưới cây qua đợt hạn mặn và không phải tốn chi phí mua nước như đợt hạn mặn vừa qua.
Để có ao trữ nước tưới cho cây đòi hỏi ao có diện tích lớn vì vậy phải dành một phần diện tích vườn để đào ao và tốn chi phí khá cao nhưng nhà vườn Chợ Lách vẫn làm bởi theo người dân, ao trữ nước dù tốn kém nhưng sẽ chủ động được nguồn nước và ao có thể sử dụng được vài năm. Nếu không đào ao, khi mặn đến phải mua nước tưới, chi phí cao gấp 2 - 3 lần nhưng cây vẫn bị thiệt hại do nguồn nước không đảm bảo.
Anh Đặng Văn Thanh, xã Long Thới, chuyên sản xuất cây giống, kiểng lá với tổng cộng 2,3ha ở bốn địa điểm khác nhau. Để chủ động nguồn nước tưới trong mùa hạn mặn sắp tới, ở mỗi khu đất anh đều dành một phần diện tích để đào ao trữ nước.
Tại khu vườn 10.000 m2 ở xã Tân Thiềng, anh Thanh đang tất bật cùng thợ tiến hành trải bạt dưới ao đã đào xong để hoàn chỉnh ao trước khi trữ nước ngọt. Ao này có diện tích 1.200 m2, dự tính sẽ trữ được khoảng 4.500 m3 nước.
Mặc dù, đào bốn ao tốn trên 200 triệu đồng kinh phí nhưng anh Thanh vẫn cho rằng đó là một lựa chọn đúng để “sống chung với hạn mặn”, vì theo anh Thanh tính toán, năm đầu tiên đào ao, mua bạt lót, tổng chi phí khoảng 120 triệu đồng để có ao trữ khoảng 4.500m3 nước sẽ lợi hơn việc mỗi năm đều phải mua nước tưới.
Vì đợt hạn mặn vừa qua, anh phải mua 80.000 đồng/m3 nước, nếu 4.500m3 nước thì tốn khoảng 360 triệu đồng. Trong khi đó, đầu tư ao chỉ có 120 triệu đồng nhưng năm sau không cần đầu tư nữa mà vẫn không tốn tiền mua nước và ao có thể dùng được 3-5 năm tiếp.
Anh Thanh cũng cho biết thêm, năm rồi hạn mặn dài, thiệt hại cây giống, hoa kiểng rất nhiều lại còn tốn tiền mua nước nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Năm nay,hầu như nhà vườn nào cũng làm ao trữ nước để phục vụ tưới tiêu. Ao được nhiều nhà vườn lựa chọn làm là ao có lót bạt để chống xì phèn, nước thấm vào ao.
Ngoài ra, khi lót bạt kinh nghiệm nên trải phủ mặt đê (bờ ao) để bùn, tạp chất rớt xuống ao nước, mưa không xói mòn gây sạt lở đê. Với ao trữ nước sẽ có nguồn nước đầy đủ mới dám đầu tư sản xuất cây giống, kiểng lá.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, địa phương có khoảng 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, tập trung sản xuất cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng. Rút kinh nghiệm hạn mặn 2019 - 2020, mặc dù hiện nay đang mùa mưa nhưng người dân vẫn chủ động trữ nước.
Trên địa bàn huyện Chợ Lách có nhiều hình thức trữ nước để sử dụng sản xuất: trữ nước qua hệ thống công trình thủy lợi chung (mùa hạn mặn, chính quyền sẽ đậy cống trữ nước); Nhà nước và nhân dân cùng đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt; trữ nước trong túi từ 15 - 20m3, phù hợp điều kiện vườn sản xuất không có nhiều diện tích ao mương; đào ao phủ bạt (mô hình giống ao nuôi tôm). Hiện nay, nhà vườn dùng mô hình đào ao phủ bạt nhiều vì diện tích trữ lớn, đáp ứng được cho sản xuất.
Đặc biệt, người dân rất quan tâm đến dự báo, cảnh báo, dù mặn đã lùi xa ra khỏi cửa biển nhưng người dân vẫn theo dõi. Hơn nửa số hộ dân sản xuất nông nghiệp đã tự trang bị các máy đo mặn; điều chỉnh lịch mùa vụ, khi sản xuất cây ăn trái tránh cho trái vào mùa khô, nếu sản xuất cây giống, hoa kiểng thì tùy theo tình hình điều kiện sẽ sản xuất tập trung hay sản xuất rải ra để sản xuất vào mùa mưa.
“Ứng phó với hạn mặn thì công tác trữ nước rất quan trọng. Hiện giờ người dân đang tập trung trữ nước hộ gia đình, khoảng trên 50% hộ dân quy hoạch lại vườn, trữ nước từ 10 - 20% diện tích đất để đáp ứng nhu cầu nước tưới. Nếu kịch bản mặn như năm 2019 - 2020, người dân huyện Chợ Lách có khả năng ứng phó được”, ông Nghị khẳng định.
Mùa khô 2019 -2020 đến sớm, kéo dài và xâm nhập sâu đã khiến phần lớn diện tích cây giống, cây ăn trái, hoa kiểng của nhà vườn Chợ Lách, Bến Tre bị thiệt hại và bị ảnh hưởng nặng. Nhiều nhà vườn phải tốn hàng trăm triệu đồng để mua nước ngọt tưới nhưng vẫn không cứu được cây.
Tại huyện Chợ Lách, hạn mặn 2019 - 2020 đã khiến cho 50 ha hoa kiểng bị ảnh hưởng, 600 ha cây giống bị thiệt hại, gần 8.000 ha cây ăn trái bị thiếu nước. Ước tổng giá trị thiệt hại trên 600 tỷ đồng. Vì vậy, năm nay, với sự chuẩn bị sớm của nhà vườn, hy vọng sẽ giảm thiểu thiệt hại trong đợt hạn mặn sắp tới.
Trần Thị Thu Hiền