Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Long cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN |
Chia sẻ về cơ duyên với cây thanh long đỏ ở Vân Trục, ông Nguyễn Đình Long cho biết: xã Vân Trục chủ yếu là đất đồi gò, cằn cỗi, khó phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Qua nhiều năm trồng cây bạch đàn không hiệu quả. Tình cờ, xem chương trình truyền hình giới thiệu hiệu quả kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, ông liên tưởng ngay đến việc trồng thử tại gia đình. Nghĩ là làm, năm 2007, ông về tận trường Đại học nông nghiệp I mua giống cây thanh long đỏ về trồng thử. Quyết định lúc đó của ông Long bị nhiều người cho là làm “liều” bởi ông dám phá bỏ đồi bạch đàn gần đến tuổi thu hoạch để trồng giống cây lạ chưa xuất hiện ở vùng này bao giờ. “Do đây là giống mới, chưa nắm vững kỹ thuật trồng nên tôi đã phải mày mò tìm hiểu nhiều tài liệu, về tận trường Đại học nông nghiệp I và vào tận miền Nam để xem kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho thanh long đỏ ra sao để mình học hỏi đem về trồng”, ông Long kể. Sau nhiều lần thất bại và rút được bài học kinh nghiệm, nhận thấy cây thanh long ruột đỏ chịu hạn tốt, phù hợp với vùng đất và khí hậu vùng đồi núi Vân Trục. Ông Long còn lên mạng internet, đọc báo, nghiên cứu, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý và khoa học về cây thanh long đỏ, kỹ thuật cắt tỉa những nhánh không cần thiết, tạo dinh dưỡng cho cây nuôi quả. Không phụ công người, sau 3 năm chăm sóc, 500 trụ thanh long của gia đình ông Long bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên. Với bình quân mỗi trụ thanh long cho từ 10-15kg quả, giá bán 30 - 35 nghìn đồng/kg, ông Long thu về cho gia đình gần 200 triệu đồng. Thành công bước đầu, ông Long quyết định thuê đất, vay thêm vốn mở rộng quy mô vườn thanh long. Từ 500 trụ, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Long lên tới 7.000 trụ. Chỉ tính riêng năm 2016, vườn thanh long cho gia đình ông thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng. Ông Long chia sẻ: Cây thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng ở nơi khác. Đây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn, quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản. Thời gian cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Từ sự đi đầu của ông Long, nhiều hộ ở Vân Trục đã thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn phá bỏ những cây trồng không hiệu quả để trồng cây thanh long đỏ. Hiện nay, xã Vân Trục đã có hơn 60 ha trồng thanh long ruột đỏ. Nguồn thu từ cây thanh long đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Lập Thạch, ông Long thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ hội viên về vốn, giống cây trồng, hướng dẫn, giám sát cách sử dụng phân bón, chế phẩm vi sinh và tuân thủ nghiêm túc các quy định của VietGAP. Ông Long cùng các hội viên tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch tại các hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng… góp phần đưa thương hiệu "Thanh long ruột đỏ" đến gần hơn với người tiêu dùng. Năm 2015, tin mừng đến với ông Long và người trồng thanh long đỏ ở Lập Thạch, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng công nhận thương hiệu. Đây là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được thương hiệu này. Nối tiếp thành công, năm 2016, sản phẩm thanh long đỏ Lập Thạch nhận “Cúp vàng sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2016” do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Cơ quan Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt trao tặng. Cuối năm 2016, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được xuất sang thị trường Malaysia và nhận được những phản hồi tích cực, đánh giá cao từ phía người tiêu dùng. Nhận thấy hiệu quả, giá trị kinh tế từ việc trồng cây thanh long ruột đỏ, UBND huyện Lập Thạch đã xây dựng dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ với diện tích 100 ha tại 3 xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ. Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch khoảng 125 ha. Thanh Long ruột đỏ trồng trên đất Lập Thạch có năng suất phổ biến trên dưới 10 tấn quả/ha và với giá bán như hiện nay từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg thì mỗi ha thu lời trên dưới 300 triệu đồng. Nhìn những vườn thanh long ruột đỏ thẳng hàng xanh mướt đang vào mùa trái chín, hứa hẹn một mùa vụ thắng lợi. Hy vọng rằng, với quyết tâm làm giàu, sự tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Nguyễn Đình Long, thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, làm giàu trên chính quê hương cho người dân nơi đây./.
Nguyễn Thị Thảo