Người nuôi lặn kiểm tra tôm hùm con bị chết khi nước chuyển sang màu đỏ. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN |
Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người nuôi áp dụng nhằm giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, tình trạng vùng nuôi bị ô nhiễm, kết hợp với diễn biến bất lợi của thời tiết, lượng lồng thả nuôi trên Vịnh Xuân Đài quá dày nên rất có thể tôm hùm sẽ chết hàng loạt như đã từng xảy ra.
Tại xã Xuân Phương, tôm hùm chết xảy ra từ 25/3 khi nước ở vùng nuôi này có hiện tượng chuyển sang màu đỏ. Đỉnh điểm tôm nuôi bị chết là ngày 26/3 và 27/3. Theo thống kê, có ít nhất 27 hộ nuôi bị thiệt hại với 2.160 con tôm thịt có trọng lượng từ 0,4 đến 0,6kg/ con và gần 11.000 con tôm hùm con bị chết, thiệt hại khoảng 3,6 tỷ đồng.
Hiện tượng nước chuyển sang màu đỏ là do môi trường bị ô nhiễm hữu cơ, tảo phát triển mạnh. Ngoài ra, lượng khí độc trong môi trường nước cùng nhiều chỉ số khác đều vượt ngưỡng.
Môi trường vùng nuôi ở Vịnh Xuân Đài bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN |
Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, người nuôi tôm hùm ở vùng nuôi Phước Lý – Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) cần đặc biệt chú ý tầng đáy đang có những chỉ số môi trường (NH3, PO4, H2S và DO) nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép; trong đó, hàm lượng DO (0,5mg/l) là quá thấp so với ngưỡng là 5mg/l. Mật độ tảo Vibrio spp trong nước vượt ngưỡng làm tăng nguy cơ tôm nuôi dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn.
Về giải pháp kỹ thuật, ông Ngô Xuân Lai khuyến cáo người nuôi tôm hùm tại khu vực này nên duy trì lồng nuôi tại tầng giữa để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm; thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe cho tôm nuôi (nhất là khi trời nắng và đứng gió). Sau khi nâng lồng, người nuôi nên dùng lưới đan (hai lớp) che mát trên mặt lồng; treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông và ổn định độ PH tạm thời. Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp oxy hòa tan.
Tôm có trọng lượng từ 0,4kg đến 0,6kg bị chết phải bán rẻ cho thương lái. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN |
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên thông tin, theo quy hoạch vùng nuôi tôm hùm ở khu vực Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu chỉ có quy mô là 20.000 lồng, nhưng thống kê con số này đã vượt hơn 4 lần với hơn 86.000 lồng. Do số lồng nuôi, mật độ nuôi quá dày nên nhiều chỉ số môi trường đã vượt ngưỡng cho phép. Dự báo năm nay thời tiết sẽ phức tạp và diễn biến xấu, nếu cứ tình trạng môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm thì rất dễ xảy ra tôm chết hàng loạt.
Mặc dù chính quyền địa phương và cách ngành chức năng đã nỗ lực với rất nhiều giải pháp như: giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường tự động, quy hoạch và phân chia mặt nước… nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều hộ vẫn thả nuôi tôm hùm ồ ạt, bất chấp khuyến cáo. Chính điều này dẫn đến nhiều hệ lụy.
Vịnh Xuân Đài được quy hoạch 20.000 lồng nuôi nhưng con số thực tế vượt gấp 4 lần với 86.000 lồng nuôi. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN |
Năm 2017, hơn 1,6 triệu con tôm hùm chết hàng loạt khiến người dân xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân khiến tôm hùm chết được xác định do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, tích tụ lớn các chất hữu cơ.
Sau sự cố này, chính quyền tỉnh Phú Yên và các nhà khoa học đã nỗ lực tìm cách cải thiện môi trường vùng nuôi ở đây. Song sự chuyển biến là rất ít do sự thiếu hợp tác của người nuôi.
Thế Lập