Nguy cơ mắc bệnh tim liên quan hạt vi nhựa bám trong động mạch

Các nhà khoa học Italy vừa công bố một nghiên cứu cho thấy các mảnh vi nhựa trong các mảng bám trên thành động mạch trong cơ thể người có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và thậm chí tử vong.

Vi nhựa (microplastics) được định nghĩa là các hạt nhỏ hơn 5 mm, trong khi nano nhựa (nanoplastics) nhỏ hơn nhiều, đến mức chỉ có thể nhìn thấy chúng bằng kính hiển vi chuyên dụng.

Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học New England ngày 6/3, trong số 304 bệnh nhân trải qua thủ thuật làm sạch động mạch cảnh (một động mạch lớn ở cổ), 58% được phát hiện có các mảnh vi nhựa và nhựa nano có "mép răng cưa" trong mảng bám bên trong mạch máu, trong đó có nhựa polyethylene (PE) và polyvinyl chloride (PVC).

Nhóm nghiên cứu, do Tiến sĩ Raffaele Marfella tại Đại học Campania ở Naples dẫn dầu, nhận thấy những người có các hạt vi nhựa trong mảng bám động mạch cảnh có nguy cơ bị đau tim, đôt quỵ hoặc tử vong cao gấp 4,5 lần trong 3 năm tới, sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác của từng cá nhân. Ngoài ra, bệnh nhân có vi nhựa hoặc nano nhựa trong mảng bám cũng có lượng protein gây viêm cao trong máu - yếu tố được biết đến đóng vai trò gây bệnh xơ vữa động mạch và suy tim.

Về nguồn gốc vi nhựa, các tác giả nghiên cứu đề cập thực tế nhựa PE và PVC được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất hộp đựng thực phẩm và mỹ phẩm, đường ống nước. Họ lưu ý rằng những vi nhựa như vậy đã được tìm thấy trong nước uống, nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm và không khí.

Các nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra nhiều loại vi nhựa và nano nhựa trong nhiều mô của người như ruột già, gan, lá lách, mô hạch bạch huyết và nhau thai. Nghiên cứu trên động vật cho thấy những loại nhựa này có thể gây ra các tác động độc hại.

Mặc dù nghiên cứu mới không thể chứng minh chắc chắn rằng vi nhựa gây ra các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên đề cập sự liên quan giữa các hạt vi nhựa với bệnh tim mạch ở người.

Trong báo cáo năm 2022 về việc tiếp xúc với các mảnh vi nhựa qua đường ăn uống và đường hô hấp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận đa số ý kiến nhất trí rằng không được để nhựa tồn tại trong môi trường và cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm các chất độc hại từ nhựa.

Lan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm