Nguồn vốn tín dụng chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa

Cam sành Hàm Yên. Ảnh: TTXVN
Cam sành Hàm Yên. Ảnh: TTXVN

Những ngày cuối năm, khi những cây đào trước ngõ khoe sắc thắm trong nắng vàng cuối đông, cũng là thời điểm nông dân huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tất bật thu hoạch để gửi gắm những trái cam sành thơm mọng trên những chuyến xe hàng nhộn nhịp về xuôi, kịp đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Cam sành Hàm Yên, thịt trâu khô Tiến Thành, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa và rất nhiều sản vật nổi tiếng khác của vùng đất Tuyên Quang đang hối hả vào vụ Tết. Được xếp hạng sản phẩm OCOP như một tấm giấy chứng nhận đảm bảo về chất lượng; sự đồng hành của ngân hàng như một đảm bảo về hiệu quả kinh tế, nông dân Tuyên Quang đang vui với niềm vui làm giàu từ chính những sản vật quê hương…

Nguồn vốn tín dụng chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa ảnh 1Cam sành Hàm Yên. Ảnh: TTXVN

OCOP tất bật vào vụ Tết

Miệt mài trên những đồi cam cheo leo từ sáng tới hơn 5 giờ chiều, bà Lê Thị Hà ở xã Minh Phú, huyện Hàm Yên cùng 6-7 nhân công cắt cam thuê mới hoàn thành việc phân loại, đóng gói hơn 5 tấn cam lên xe để chở về Hà Nội.

Niềm vui mùa quả ngọt xóa tan sự mệt mỏi của người phụ nữ tuổi lục tuần nhưng vẫn ngày ngày miệt mài với công việc đồi rừng. “Cam năm nay không được mùa như năm trước, nhưng bù lại giá lại tốt hơn. Cam đẹp cắt bán tại vườn cũng lên tới 15.000-16.000 đồng/kg, bán xô cũng được 10.000-11.000 đồng. Với giá này, nông dân trồng cam tuổi 60 như tôi vẫn có thể… leo lên đến đỉnh đồi cam!”, bà Hà phấn khởi chia sẻ.

Hơn 5 ha đất đồi rừng của gia đình bà Hà trước đây chủ yếu trồng chè. Khoảng hơn 20 năm trước, khi cây chè không còn cho hiệu quả, gia đình bà Hà chuyển sang trồng cam.

“So với cây chè, trồng cam hiệu quả hơn nhiều chứ. Làm cam mỗi năm thu 500-700 triệu đồng, trong khi cũng với 5 ha đó, nếu trồng chè mỗi năm thu chưa nổi 100 triệu đồng. Như năm nay, cam chưa cắt hết nhưng tôi đã thu gần 1 tỷ đồng. Trừ chi phí và công chăm sóc, dự kiến lãi khoảng 800 triệu đồng”, bà Hà cho biết.

Từ ngày cam sành Hàm Yên được chứng nhận là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), bà Hà nói riêng và người trồng cam Hàm Yên nói chung đặc biệt chú trong khâu chăm sóc cây cam. Chi phí phân bón không nhiều, thiếu vốn đã có ngân hàng lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ cho vay. Vấn đề chỉ là nắm bắt kỹ thuật, đầu tư công chăm sóc, theo dõi cây cam, điều tiết chăm bón hợp lý để quả cam thực sự đẹp, óng ả, nên cam OCOP Hàm Yên lúc nào cũng bán được giá hơn so với những nơi khác.

“Không vay đâu, ngân hàng chỉ có nợ chúng tôi thôi!”, vừa cười vừa nói, bà Hà vui vẻ chia sẻ khi được hỏi về hợp tác giữa nhà nông với ngân hàng. Hơn 20 năm trước, khi chuyển từ trồng chè sang trồng cam, bà Hà đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Hàm Yên và trở thành một trong những hộ đầu tiên trong xã chuyển đổi từ cây chè sang trồng cam.

“Những năm đầu cũng gian nan lắm, nhờ có ngân hàng đồng hành, chia sẻ, tính toán cơ cấu nợ hợp lý đề vụ nọ gối vụ kia, cây chè gối cây cam, chuyển đổi dần dần mới có được như ngày hôm nay”, bà Hà cho biết.

Đến nay, 5 ha cam của gia đình bà Hà đã hình thành được chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ khi sản phẩm cam trồng trên đồi nhà được cô con gái bà Hà sinh sống tại thành phố Tuyên Quang tạo lập mạng lưới tiêu thu trực tuyến qua trang web Cam sành sạch Hàm Yên - Tuyên Quang, đưa trái cam ngọt đất Hàm Yên thơm hương khắp thị trường các tỉnh, thành trong nước. Từ một khách hàng vay vốn, đến nay bà Hà trở thành khách hàng thường xuyên gửi tiền tại Agribank Hàm Yên.

Ông Đinh Văn Hóa - Giám đốc Agribank huyện Hàm Yên cho biết, cây cam Hàm Yên đang được coi là cây mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của huyện. Chính từ loại cây này đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho bà con đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Năm 2020, sản phẩm Cam sành Hàm Yên đã được UBND tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Niên vụ cam 2020 - 2021 tổng diện tích cam cho thu hoạch trên địa bàn huyện Hàm Yên là 4.886 ha, sản lượng đạt trên 85 nghìn tấn quả.

Bám sát chủ trương của chính quyền các cấp về việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, Agribank chi nhánh Hàm Yên đã đầu tư khoảng 354 tỷ đồng cho gần 3.000 hộ trên địa bàn huyện phát triển cây cam.

Theo định hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện Agribank huyện Hàm Yên đang đồng hành với nông dân phát triển mô hình trồng cam hữu cơ, cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành Hàm Yên trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngân hàng đồng hành

Nếu như cam sành Hàm Yên là sản phẩm đã nức tiếng thơm của đất Tuyên Quang thì trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa) lại là một sản phẩm vừa được tỉnh Tuyên Quang đưa vào danh sách sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Cơ duyên để hạt đậu đen lòng xanh - cây trồng của vùng đồi núi khô cằn xã Tri Phú, một xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nằm ở phía Đông Nam của huyện Chiêm Hóa - trở thành sản phẩm OCOP hạng 4 sao bắt nguồn từ trăn trở của những cán bộ, nông dân trẻ của HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát và sự chung tay hỗ trợ nguồn vốn của Agribank Chiêm Hóa.

Chị Phạm Thị Hồng, thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát chia sẻ, từ những trăn trở nâng cao giá trị của nông sản vùng đất Chiêm Hóa, sau nhiều năm mày mò, thử nghiệm, năm 2020 các thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đã cho ra thị trường sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng kết hợp hà thủ ô đỏ - một sản phẩm hữu cơ có tác dụng tốt trong việc chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng.

Từ nguồn vốn tín dụng 1,4 tỷ đồng của Agribank huyện Chiêm Hóa, HTX đã đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, máy móc sản xuất và ký kết hợp đồng đầu tư vùng nguyên liệu với bà con trong vùng, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh như Tri Phú, Kim Bình, Vinh Quang, Bình Nhân…

Đến nay, HTX đã liên kết vùng trồng với tổng diện tích trên 40 ha trồng đậu đen tại các xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Tuy là sản phẩm mới mẻ với thị trường, nhưng trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa đã được tiêu thụ tại 21 tỉnh, thành khắp cả nước. Đồng thời sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng cũng được chọn là một trong 6 sản phẩm nằm trong “Giỏ quà Tuyên Quang” - gồm những sản vật địa phương được dành tặng khách đến thăm và làm việc với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh.

Giám đốc Agribank tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Hà cho biết, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Agribank tỉnh Tuyên Quang vẫn đạt tổng dư nợ gần 8.500 tỷ đồng, trong đó nguồn tín dụng dành cho nông nghiệp - nông thôn lên tới gần 6.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 77% tổng dư nợ.

“Thực hiện sứ mệnh của một ngân hàng phục vụ nhà nông, với mong muốn góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và để nông dân tiếp cận tốt với nguồn vốn của ngân hàng, Agribank tỉnh Tuyên Quang rất quan tâm triển khai cho vay phát triển các sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đưa dịch vụ ngân hàng tới vùng sâu, vùng xa, vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mang lại cho người dân tiện ích, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, bà Nguyễn Việt Hà khẳng định.

Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm