Hằng năm, vào dịp 23 tháng Chạp, người dân Hà Tĩnh lại nô nức chuẩn bị dựng cây nêu. Phong tục dựng cây nêu ngày Tết được người dân gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục lâu đời của người Việt Nam. Theo các tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, khi cây nêu dựng lên là Tết bắt đầu, khi hạ nêu là hết Tết. Người xưa cho rằng, việc dựng cây nêu ngày Tết còn có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, bảo vệ gia chủ để đón Xuân an lành, hạnh phúc.
Theo thời gian, phong tục dựng cây nêu ngày Tết từng có lúc bị mai một. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh đã khôi phục lại nét đẹp văn hóa này. Việc dựng cây nêu, ngoài ý nghĩa tâm linh còn là một trong những yếu tố không thể thiếu trong trang hoàng nhà cửa dịp Tết.
Cùng con, cháu trang trí cây nêu, ông Nguyễn Sơn 62 tuổi, trú tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà cho biết: Từ chục năm trở lại đây, năm nào, tôi cũng duy trì việc dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp để nhắc nhở con cháu về truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đây cũng là dịp cúng tiễn ông Táo về chầu Trời, cả nhà sẽ cùng quây quần, mỗi người một phần việc, các cháu tham gia vào những việc nhỏ như trang trí để phụ giúp người lớn nên vô cùng háo hức.
Người dân Hà Tĩnh dựng cây nêu khá công phu. Cây tre được dùng để làm nêu phải là thân tre già, to, thẳng, còn đầy đủ ngọn lá. Để thân cây nêu luôn được tươi xanh và trông đẹp mắt, người dân dùng lá cây đủng đỉnh để cuốn xung quanh thân cây tre, sau đó là hệ thống bóng nháy để cây nêu luôn sáng rực rỡ mỗi đêm. Đầu ngọn nêu được treo thêm cờ đỏ sao vàng, đèn lồng.
Anh Phan Khắc Độ, thôn Mai Sơn, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh chia sẻ: Cây nêu đẹp phải có ngọn cong vút, được thiết kế hài hòa, cân đối và tỏa sáng rực rỡ trong đêm. Ngày dựng nêu còn là một ngày vui của cả xóm. Trong không khí của những ngày cuối năm, các gia đình trong xóm giúp đỡ nhau, không khí rất vui.
Với những gia đình không có thời gian để tự dựng cây nêu, nhiều nhóm thợ đã nhận dịch vụ làm cây nêu theo yêu cầu của gia chủ. Giá mỗi cây nêu thường dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng tùy theo các vật liệu trang trí đi kèm. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi kèm của việc làm cây nêu cũng đa dạng hơn như: bán cây tre làm nêu, bán lá cây đủng đỉnh….
Bên cạnh tuyên truyền để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, ngành chức năng Hà Tĩnh khuyến cáo người dân phải đảm bảo an toàn trong quá trình dựng cây nêu. Người dân không nên dựng cây nêu gần hành lang lưới điện, vi phạm khoảng cách an toàn, dẫn đến nguy cơ phóng điện, gây tai nạn cho người và sự cố lưới điện. Trong quá trình làm nêu, các khâu đấu nối dây điện, bóng nháy, đèn trang trí phải được thực hiện hết sức cẩn thận, tránh tình trạng rò rỉ điện gây mất an toàn cho người dân.
Ngày 23 tháng Chạp, sau lễ tiễn ông Công, ông Táo về Trời, cây nêu được dựng lên trên nền trời xanh đón gió Xuân, xua đi những điều không may mắn và khởi đầu cho những ngày Tết đầm ấm, an vui. Việc giữ gìn nét đẹp của phong tục dựng cây nêu ngày Tết cũng là để nhắc nhớ con cháu luôn nhớ đến công lao các bậc tiền nhân.
Hoàng Ngà