Thầy Võ Duy Quang dạy ngôn ngữ ký hiệu cho các em học sinh khiếm thính |
Vóc người gầy gò, nét mặt hiền lành với cặp kính cận và nụ cười luôn hiển hiện trên gương mặt là những ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được ở thầy giáo Võ Duy Quang. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Nai (Chuyên ngành Cao đẳng Sư phạm tiểu học, Khoa Giáo dục đặc biệt), điều thôi thúc thầy Quang trở về vùng đất Nam Tây Nguyên giảng dạy là vì thầy đã từng học tập và trưởng thành từ Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Trở về trường cũ giảng dạy, thầy Quang phụ trách môn ngôn ngữ ký hiệu. Khác với những thầy cô khác, sợi dây liên kết lớn nhất giữa thầy Quang và các em học sinh chính là sự đồng cảm. Thầy Quang là một người khiếm thính từ nhỏ, vậy nên, trong mỗi tiết học của thầy tuy chỉ có tiếng của những trẻ khiếm thính và các động tác về ngôn ngữ hình thể, nhưng tiết học lại rất sinh động, lôi cuốn. Các em học sinh ở lớp khiếm thính do thầy giảng dạy tiếp thu được bài học tốt hơn. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ, với một người có hoàn cảnh tương tự như Quang mới thấu hiểu được suy nghĩ của những học sinh đặc biệt này. Sự đồng cảm đó đã khiến trái tim của thầy giáo trẻ thêm yêu thương các em. Qua ngữ điệu trên môi, qua ngôn ngữ của những dấu tay, em Nguyễn Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 3 Trường Khiếm thính Lâm Đồng, chia sẻ: Khi được cô hiệu trưởng thông báo trường sẽ có thầy giáo mới về giảng dạy và thầy cũng là người khiếm thị thì chúng em rất hồi hộp, mong đợi. Khi được trực tiếp học tập với thầy Quang, em rất thích bởi cách dạy của thầy rất dễ tiếp thu và thầy cũng gần gũi với chúng em. Em muốn học thật giỏi để sau này có thể trở thành giáo viên truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh khuyết tật giống như thầy Quang”.
Được Ban Giám hiệu nhà trường nhận về giảng dạy vào năm 2014, thầy Quang đã được nhiều học sinh yêu mến bởi cách dạy, cách giao tiếp gần gũi và nhiệt tình. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, cho biết: “Ngoài những giờ giảng dạy trên lớp, thời gian rảnh vào buổi tối, thầy Quang cũng là gương mặt thân quen, là người bạn đồng hành khi giúp các em học cách chơi cờ vua; cùng đọc sách, giải thích ý nghĩa của cuốn sách cho các em, hay hướng dẫn các em làm bài tập về nhà… Nhờ đó, thầy và trò càng thêm hiểu nhau và có sự đồng cảm, chia sẻ. Còn với thầy Quang, được trở về để giảng dạy tại ngay chính ngôi trường mình đã từng học tập là một điều hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ bởi mình được làm việc với chính những người đã truyền dạy kiến thức cho mình mà còn vì sự đồng cảm với các em khiếm thính. “Hơn ai hết, tôi hiểu sự mặc cảm, tự ti của các em về khiếm khuyết của mình. Do đó, trước khi dạy kiến thức, tôi truyền cho các em sự tự tin, lòng nhiệt huyết để vượt lên những rào cản về khiếm khuyết của cơ thể” - Quang tâm sự.
Thông qua sự “phiên dịch” của cô tổng phụ trách, những dòng suy nghĩ, chia sẻ của Quang về những khó khăn trong cuộc sống trước đây, về công việc hiện tại, về tình cảm đối với các em học sinh khiến chúng tôi càng thêm nể phục. Khi mới về trường, những ngày đầu cũng khiến Quang rất lo lắng. Bởi lẽ, không biết mình sẽ bắt đầu tiếp cận với các em học sinh như thế nào để có thể truyền dạy cho các em. Thế là, Quang tự đọc thêm sách báo, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên đi trước và tìm ra phương pháp dạy học phù hợp. Qua 2 năm công tác tại trường khiếm thính, Quang đã học được rất nhiều điều, không chỉ từ những giáo viên đi trước mà ngay từ những em học sinh. Trong sự hồn nhiên, ngây thơ của nhiều em là cả một nghị lực to lớn để vươn tới ước mơ của mình. Đây cũng chính là động lực để Quang gắn bó với ngôi trường này, với các em học sinh kém may mắn. Một thời, Quang cũng đã từng sống và học tập như các em và quyết tâm vượt qua biết bao khó khăn, mặc cảm để trở thành nhà giáo!
Với những người khiếm thính, việc hòa nhập với cuộc sống vốn dĩ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với thầy Quang, những khó khăn đó hoàn toàn có thể khắc phục được nếu bản thân mỗi người có nghị lực vươn lên. Tấm gương của thầy Quang chắc hẳn sẽ trở thành động lực để các em học sinh khiếm thính tiếp bước và hoàn thành những hoài bão của bản thân.
Báo Lâm Đồng