Người dân tự đầu tư mua ống dẫn nước từ các khe suối phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Tình trạng "khát" nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh tại xã diễn ra nhiều năm qua, nguyên nhân chính do địa hình đa phần là đồi núi cao, khan hiếm các mạch nước ngầm. Trước thực tế đó, Nhà nước đã hỗ trợ vốn để xây dựng các công trình nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, 12 công trình được đầu tư xây dựng trong khoảng từ năm 2004 - 2017, đến nay đã hư hỏng toàn bộ hệ thống dẫn và bể chứa nước, hầu hết đường ống dẫn nước đã rỉ sét, gãy ngầm... dẫn đến tình trạng bể chứa nước đều bỏ hoang. Vì vậy, người dân trong xã buộc phải tự đầu tư mua ống dẫn nước từ các khe suối phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhiều đường ống nước chỉ bằng ngón tay cái, được kéo chằng chịt như mạng nhện, vắt vẻo qua các hẻm núi, cột điện, cánh đồng... có điểm dài hơn 3km để dẫn nước về nhà. Tuy nhiên, thiết bị dẫn nước đều là ống nhựa chỉ dùng được một thời gian ngắn là bị gãy, đứt và hư hỏng.
Anh Bùi Văn Mẹo ở xóm Rớm, xã Yên Thượng, chia sẻ: Gia đình anh nhiều lần đào giếng nhưng không thành công. Một phần là do kết cấu đất yếu hay bị sập, phần khác do khó tìm được mạch nước ngầm. Vì vậy, gia đình anh đã đầu tư mua hơn 400m ống nhựa và xây bể chứa nước dẫn nước trên khe về để sinh hoạt, nhưng vẫn thường xuyên thiếu nước.
Anh Nguyễn Đua, Phó Trưởng xóm Rớm, xã Yên Thượng, cho biết, ống nước tự lắp đặt không đảm bảo an toàn do người đi nương làm rẫy hay chặt nhầm, trâu bò kéo đứt... nên các hộ dân phải thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn nước về nhà. Ngoài ra, vào mùa khô, nguồn nước khan hiếm nên nhiều hộ sinh sống tại khu vực đầu nguồn không muốn cho người dân xóm dưới kéo nước về. Đặc biệt, tình trạng cắt ống dẫn nước, rút ống dẫn ra khỏi nguồn nước khiến người dân sinh sống tại các xóm dưới rất bức xúc.
Các bể chứa nước đều bỏ hoang. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Theo Trạm y tế xã Yên Thượng, 100% người dân trên địa bàn xã Yên Thượng trực tiếp sử dụng nguồn nước chưa qua kiểm nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ có hại đến sức khỏe, một số bệnh dễ mắc phải chủ yếu như da liễu và tiêu hóa. Mặc dù biết nhưng do điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước này phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thượng Bùi Đức Chung cho biết: Trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh như hiện nay, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn các mạch nước ngầm hiện có. Chính quyền cũng vận động các hộ sinh sống tại khu vực đầu nguồn nước, tạo điều kiện hỗ trợ người dân xóm dưới được sử dụng nước. Xã cũng mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu hàng ngày và chăm sóc sức khỏe người dân.
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại xã Yên Thượng những năm qua rất thiết thực. Tuy nhiên, cách nghĩ, cách làm của chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa tạo sự thống nhất từ khâu quy hoạch, bảo quản tài sản công, phát huy hiệu quả sức mạnh đoàn kết mới dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch tại xã như hiện nay.
Người dân thường xuyên phải đi kiểm tra các ống dẫn nước. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Thời gian tới, chính quyền địa phương một mặt cần tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh, mặt khác cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, góp phần cải thiện chất lượng đời sống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.
Thanh Hải