Nhờ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, nhiều người dân ở các thôn, làng ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà hiện quản lý hơn 21.300 ha rừng. Năm 2021, đơn vị đã rà soát và ký giao khoán với 16 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đã giao khoán hơn 62% diện tích rừng cho cộng đồng thôn, làng quản lý với hơn 12.000 ha. “Việc giao khoán cho cộng đồng thôn, làng cùng chủ rừng tham gia quản lý, bảo vệ rừng là chia sẻ để dân cùng hưởng lợi”, ông Phạm Ngọc Nhẫn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà cho biết.
Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum cùng chính quyền các cấp, cơ quan chức năng hướng dẫn cộng đồng thôn nhận quản lý bảo vệ rừng xây dựng quy chế Quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo nguyên tắc, cộng đồng dân cư thôn, làng nhận khoán bảo vệ rừng được sử dụng toàn bộ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo đó, 35% số tiền nhận khoán được dùng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, bình quân mức chi 200.000 đồng/người/ngày; 20% số tiền để tạo sinh kế cho các hộ gia đình trong cộng đồng có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, mỗi hộ vay tối đa 10 triệu đồng/năm. Đối tượng vay là các cá nhân, hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có nhu cầu vay vốn để phát triển sinh kế; 15% chi cho các hoạt động chung của cộng đồng, mua sắm các công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tuần tra, chữa cháy rừng, khen thưởng; 30% số tiền còn lại dùng chi trả trực tiếp cho hộ nhận khoán.
Theo Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà Phạm Ngọc Nhẫn, việc giao cộng đồng thôn, làng nhận khoán bảo vệ rừng đã được thực hiện nhiều năm qua, đem lại hiệu quả trong tuần tra, truy quét, quản lý bảo vệ rừng. Mỗi thôn thường có 4 tổ đi tuần bảo vệ rừng sẽ phối hợp với chủ rừng tuần tra, bảo vệ và chấm công cho tổ. Ngoài việc được hưởng lợi tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, cộng đồng và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng còn hưởng lợi từ tận thu lâm sản phụ được chủ rừng cho phép và có phương án khai thác mang tính bền vững trong diện tích rừng quản lý.
Một số thôn, làng ở xã đặc biệt khó khăn Đăk Pxi, huyện Đăk Hà được hưởng lợi lớn từ việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Tại làng Kon Pao Kla (xã Đăk Pxi) năm 2021 nhận gần 1.300 ha, với định mức khoán 700.000 đồng/ha, tổng số tiền của làng thu được gần 1 tỷ đồng để chi cho quản lý, bảo vệ và tạo sinh kế cho người dân.
Ông A Sáo, dân tộc Xơ đăng, nhà ở làng Kon Pao Kla cho biết, từ nguồn tiền từ việc làng nhận quản lý, bảo vệ rừng, đã có 10 hộ dân trong làng đã vay vốn đầu tư chăn nuôi bò, dê, lợn sọc dưa. Riêng gia đình anh cách đây 3 năm vay 10 triệu để mua bò giống. Hiện tại bò đã sinh sản được 3 con bò.
Một số làng khác như Krong Đuân nhận gần hơn 2.300 ha. Bình quân mỗi năm làng nhận hơn 1,6 tỷ đồng; Đăk Wek nhận khoán gần 1.200 ha, mỗi năm được khoảng 840 triệu đồng… đã mang lại nguồn thu ổn định, tạo thêm sinh kế cho người dân trong việc phát triển kinh tế. Thôn, làng có nguồn tiền để hỗ trợ cho các hoạt động của làng như: sửa nhà, làm điện, khen thưởng các cháu trong làng có thích tích học tập tốt….
Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà cho biết, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng được cộng đồng dân cư sử dụng hiệu quả.
Trong thời gian qua, từ nguồn tiền trên, xã đã triển khai nhiều mô hình như nuôi heo sọc dưa, dê và phát triển cây ăn quả….bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống người dân từng bước thoát nghèo một cách bền vững.
Theo Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, hơn 10 năm qua, nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum.
Nhờ có nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng ổn định này, người dân cũng tích cực tham gia tuần tra quản lý bảo vệ rừng đời sống của họ cũng ngày càng được ổn định. Bên cạnh đó số lượng lớn cán bộ, công nhân của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng cũng đã được đảm bảo cuộc sống. Từ đó họ yên tâm gắn bó với rừng.
Cao Nguyên