Giao khoán rừng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và các hộ dân thuộc diện nghèo quản lý là một chính sách vừa hiệu quả trong bảo vệ rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống. Đây là hướng đi phù hợp, hiệu quả, trong bối cảnh rừng ngày càng quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Giao rừng cho dân quản lý
Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), giai đoạn 2017 – 2020, đơn vị đã thực hiện phương án giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Tổng diện tích giao khoán hơn 6.000 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích đơn vị được giao quản lý, chiếm hơn 37% tổng diện tích rừng tự nhiên của đơn vị.
Tổng cộng 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng được nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Các hộ dân sinh sống tại các xã Đắk Som, Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) và Phi Liêng, Đạ Knàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Sau 4 năm, tổng số tiền các hộ dân được nhận gần 21,7 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi hecta nhận giao khoán quản lý, bảo vệ, các hộ dân nhận được số tiền hơn 900.000 đồng/năm.
Bình quân, mỗi hộ dân nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị nhận được thù lao mỗi năm gần 27 triệu đồng; trong đó, kinh phí từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng chiếm gần 70%, còn lại là nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Ông K' Thanh, tổ trưởng tổ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng số 3, Vườn quốc gia Tà Đùng cho biết, số tiền thù lao nhận được từ việc quản lý, bảo vệ rừng tăng đều đặn từng năm và ổn định ở mức cao. Có nguồn thu nhập này, gia đình mua phân bón, thuốc trừ sâu… để chăm sóc vườn cà phê, tiêu. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Ông K' Măng chia sẻ, các hộ dân sống dựa vào rừng luôn luôn có ý thực cao trong quản lý, bảo vệ, tránh mọi hành vi khai thác lâm sản trái phép...
Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Khương Thanh Long khẳng định, quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả và chuyển biến tốt lên kể từ khi thực hiện chính sách giao khoán rừng cho người dân. Số vụ phá rừng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp giảm mạnh qua từng năm; ý thức các hộ dân nhận khoán ngày càng được nâng cao. Từ năm 2017 đến nay, chưa có hộ dân nào bị thanh lý, giao rừng cho hộ khác quản lý.
Tuy nhiên, hiện việc giao khoán rừng cho người dân cũng đang gặp một số khó khăn cần sớm điều chỉnh. Do diện tích rộng hơn 20.500 ha và địa hình chia cắt, phức tạp nên việc tuần tra, quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng gia tăng dân số do dân di cư không theo quy hoạch và gia tăng tự nhiên cũng tạo ra nhiều áp lực lên rừng và tài nguyên rừng. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo lưu vực sông (Đồng Nai và Sê rê pốk) có mức chênh lệnh lớn dẫn tới việc giao khoán, huy động người dân quản lý, bảo vệ rừng gặp khó... - ông Khương Thanh Long nêu vấn đề.
Do đó, thời gian tới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng sẽ điều chỉnh diện tích giao khoán rừng cho các hộ dân để thực hiện tốt hơn việc quản lý, hạn chế mức chênh lệch về thu nhập giữa hai lưu vực sông. Hiện mỗi ha rừng thuộc lưu vực sông Sê rê pốk chỉ được chi trả số tiền bằng 67% so với lưu vực sông Đồng Nai…
Minh bạch trong chi trả
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp với ngân hàng thực hiện việc mở tài khoản và thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng, thôn (bon), hộ gia đình, cá nhân. Trong năm 2019, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã chi cho chủ rừng hơn 82,5 tỷ đồng và tất cả số tiền này đã được chi qua tài khoản.
Việc chi trả qua tài khoản ngân hàng nhận được sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân nhận giao khoán trên địa bàn tỉnh vì sự thuận lợi, minh bạch, công khai. Tiền dịch vụ môi trường rừng được chuyển thẳng vào tài khoản của đối tượng được thụ hưởng mà không thông qua khâu trung gian nên người dân chủ động trong việc quản lý và sử dụng tiền của mình; giảm thiểu chi phí thực hiện quy trình đi chi trả như trước đây.
Dưới góc nhìn khác, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, đơn vị này cũng sắp xếp, tổ chức việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ, nhóm hộ nhận khoán qua tài khoản ngân hàng được 2 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, chi trả trực tiếp cũng là cơ hội để dịp đơn vị chủ rừng gặp và tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhận khoán chú tâm hơn trong tuần tra, bảo vệ rừng.
Hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng tại Đắk Nông vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Nhiều hộ dân nhận giao khoán với diện tích nhỏ lẻ, số tiền được chi trả hàng năm ít nên không muốn mở tài khoản nhận tiền. Có những hộ dân ở xa ngân hàng lại thấy “phiền phức” khi phải mở tài khoản và mỗi khi nhận tiền phải tới ngân hàng. Một số hộ khác không có giấy tờ tùy thân, không biết chữ nên việc lập tài khoản, thực hiện giao dịch cũng gặp khó...
Tại công văn số 7491/BNN-TCLN ngày 26/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt mất nhiều thời gian, chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa đảm bảo công khai, minh bạch.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với một số địa phương tiến hành thí điểm trả tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử. Kết quả tổng kết, đánh giá thí điểm cho thấy việc chi trả qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn. Các địa phương đều có khả năng áp dụng các hình thức trả tiền này.
Tại công văn nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, chủ rừng là tổ chức và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành trả tiền dịch vụ môi trường qua tài khoản ngân hàng hoặc qua giao dịch thanh toán điện tử từ năm 2019.
Hưng Thịnh