Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên ở tỉnh Đắk Nông đang được bảo vệ và phát triển rừng bền vững nhờ chính sách giao khoán rừng trực tiếp cho những người dân sống quanh rừng. Trong ảnh: Bảng thông báo một khoảnh rừng với diện tích hơn 23,5ha đã được một hộ dân M’Nông nhận giao khoán quản lý, bảo vệ. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN |
Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định điều chỉnh chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, trồng cây nông lâm kết hợp; hỗ trợ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên của các đơn vị được giao khoán, cho thuê rừng; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động Ban Lâm nghiệp xã.
Cụ thể, chủ rừng tham gia trồng rừng sản xuất sẽ được hỗ trợ mức 2 triệu đồng/ha; trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp được hỗ trợ 5.000 đồng/cây giống (mức hỗ trợ không quá 200 cây/ha). Đặc biệt, trong thời gian đóng cửa rừng, Đắk Nông sẽ hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm đối với diện tích rừng không có hoặc nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng dưới mức 300.000 đồng/ha/năm. Riêng đối với 2 công ty lâm nghiệp lớn là Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên lâm nghiệp Đắk Wil và Công ty TNHH đầu tư phát triển Đại Thành chỉ hỗ trợ 150.000 đồng/ha/năm (2 đơn vị này đang quản lý hơn 45.000 ha rừng).
Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ số tiền 200.000 đồng/ha/năm đối với các chủ rừng có diện tích rừng không có hoặc nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng từ 300.000 – 400.000 đồng/ha/năm. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng quyết định hỗ trợ kinh phí cho các Ban Nông nghiệp xã, mức hỗ trợ tùy thuộc vào diện tích rừng từng địa bàn cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh phí để Đắk Nông thực hiện Nghị quyết về một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng bền vững là từ Ngân sách Trung ương và nguồn thu từ việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chủ yếu từ các nhà máy thủy điện) và ngân sách tỉnh.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, việc ban hành Nghị quyết này đã đáp ứng được kỳ vọng của nhiều đơn vị chủ rừng. Đây là một nguồn lực quan trọng để thực hiện việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên đang được “đóng cửa” bảo vệ nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng có nhiều hỗ trợ, ưu đãi để phát triển rừng sản xuất, trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp. Đắk Nông đang kỳ vọng sẽ bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn, nâng cao độ che phủ bằng hoặc cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Tổng kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Hưng Thịnh