Nghề nắn nồi đất tại thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hình thành từ cuối thập niên 1920 (thế kỷ XX) tạo ra những vật dụng bếp bằng đất nung như: cà ràng (bếp lò có 3 chân), nồi, chảo, khuôn bánh khọt… phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhiều năm gần đây, dù đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu của thị trường giảm, giá nguyên liệu tăng nhưng nghề làm nồi đất vẫn được hàng trăm hộ gia đình duy trì để ổn định cuộc sống.
Giữa cái nắng trưa chói chang hơn 33 độ C, vợ chồng bà Khổng Thị Thủy, ở ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất đang trở bề các khuôn bánh khọt để phơi nắng. Bà Thủy cho hay, đến nay gia đình gắn bó hơn 40 năm với nghề nắn khuôn bánh khọt. Thu nhập từ nghề này trong những năm gần đây cũng giảm thấp do số lượng khuôn bán ra giảm nhiều hơn so với trước đây.
Khoảng chục năm trước, khi trên thị trường sử dụng nhiều khuôn bánh khọt, gia đình bán mỗi ngày từ 70 đến 100 cái, thu nhập gần 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi xuất hiện các loại khuôn bằng kim loại, số lượng khuôn đất nung làm ra giảm còn từ 30 đến 40 cái/ngày nên thu nhập chỉ khoảng 180.000 đồng/ngày. Tuy thu nhập không cao, nhưng cả hai vợ chồng hơn 60 tuổi rồi, không đi làm việc khác được nên vẫn chọn gắn bó với nghề này, bà Thủy cho hay.
Ông Phạm Văn Thắng, ấp Đầu Dôi cho biết, đến nay, vợ chồng ông là thế hệ thứ 3 gắn bó với nghề làm cà ràng. Khoảng từ năm 2017 trở về trước, mỗi năm gia đình làm bán khoảng 5.000 đến 6.000 cái cà ràng. Nhưng từ năm 2018 đến nay, số lượng bán ra từ 2.000 đến 2.500 cái mỗi năm. Nguyên liệu để nắn cà ràng là đất sét. Đất sét sau khi được nhào nặn cho dẻ, bóng, sau đó áp vào khung nắn thành cà ràng. Sau đó, mang phơi nắng khoảng 3 ngày cho khô rồi đi nung hơn 2 ngày mới cho ra thành phẩm.
Gia đình ông Thắng chủ yếu làm cà ràng theo đơn đặt hàng của thương lái và tiền lời mỗi cái khoảng 2.000 đồng. Khoảng chục năm nay, cà ràng không còn là vật dụng thiết yếu của các gia đình, bởi đa số họ sử dụng bếp gas, bếp điện từ để nấu thức ăn nên giá bán cũng không tăng lên so với trước. Trong khi đó, giá đất sét làm nguyên liệu nắn cà ràng cũng tăng hơn trước nên người làm có rất ít lãi, chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, gia đình ông Thắng vẫn duy trì bởi tình yêu nghề và được lao động tại quê nhà.
Tương tự, gia đình ông Trần Ngọc Minh (75 tuổi) cùng ở ấp Đầu Dôi lại chuyên làm chảo để bán cho thương lái thu gom phục vụ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính riêng năm 2022 và 2023 này, ông xuất bán hơn 12.000 chảo. Trung bình, mỗi người làm có thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.
Theo ông Minh, chảo làm bằng đất nung khi kho cá hoặc kho thịt sẽ tạo được hương vị thơm ngon riêng mà các loại chảo, nồi kho bằng kim loại không thể có được. Vì thế, ông kỳ vọng nghề làm nồi đất vẫn được duy trì trong nhiều thập kỷ tới và gia đình vẫn tiếp tục gắn bó để vừa gìn giữ làng nghề truyền thống, vừa tạo nguồn thu nhập sinh sống.
Bà Khổng Thị Hiền là người chuyên kinh doanh, mua bán sản phẩm của làng nghề nắn nồi đất ở thị trấn Hòn Đất như: Bếp lò 3 chân, chảo, om, ơ, khuôn bánh khọt… Những năm gần đây, trung bình mỗi tháng, cửa hàng của bà Hiền xuất bán khoảng 3.000 sản phẩm; trong đó, chủ yếu là bán lẻ cho những người đi chợ và bán buôn cho một số cửa hàng ở các chợ tại Kiên Giang.
Tuy số lượng mặt hàng bán ra trong những năm gần đây giảm hơn so với những năm 2015 trở về trước nhưng nhu cầu sử dụng của các bà nội trợ vẫn khá ổn định - bà Hiền nhận xét.
Ông Đặng Văn Nhường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất cho biết, nghề làm nồi đất ở thị trấn được hình thành hơn 100 năm qua và UBND tỉnh cũng đã công nhận làng nghề truyền thống. Hiện tại, toàn thị trấn có gần 200 gia đình với khoảng 600 người làm nghề.
Để làng nghề làm nồi đất ở địa phương tiếp tục được gìn giữ và phát triển trong thời gian tới, ông Nhường đề xuất, địa phương cần ban hành Nghị quyết để có biện pháp bảo tồn và phát huy. Ví dụ như tổ chức cho những người làm nghề đến tham quan tại một số làng nghề làm gốm nổi tiếng các địa phương khác để học hỏi kỹ thuật, công nghệ, làm ra những sản phẩm có mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng đó, có quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét để đảm bảo cho việc khai thác, cung ứng cho nghề làm nồi đất.
Văn Sĩ