Ngư dân Quảng Nam khó mua bảo hiểm cho tàu đánh cá xa bờ

Ngư dân Quảng Nam gặp nhiều khó khăn do khó mua được bảo hiểm cho tàu cá. Ảnh: Trần Tĩnh -TTXVN
Ngư dân Quảng Nam gặp nhiều khó khăn do khó mua được bảo hiểm cho tàu cá. Ảnh: Trần Tĩnh -TTXVN

Trong khi việc hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản dừng lại để tiến tới thực hiện theo Luật Thủy sản mới, các đơn vị bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng thông báo dừng bán bảo hiểm cho tàu cá, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân Quảng Nam khó mua bảo hiểm cho tàu đánh cá xa bờ ảnh 1Ngư dân Quảng Nam gặp nhiều khó khăn do khó mua được bảo hiểm cho tàu cá. Ảnh: Trần Tĩnh -TTXVN

Làm ăn kém hiệu quả do dịch COVID-19, cộng với việc không mua được bảo hiểm cho phương tiện nên chiếc tàu cá có công suất gần 900 CV, trị giá hơn 17 tỷ đồng của anh Trần Công Kỳ ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành phải nằm bờ dài ngày. Ở cảng cá Tam Quang, không ít tàu cá của ngư dân Quảng Nam gặp phải hoàn cảnh tương tự như tàu cá của anh Trần Công Kỳ.

Anh Trần Công Kỳ chia sẻ, theo Nghị định 67, hằng năm, ngư dân được hỗ trợ 90% kinh phí để mua bảo hiểm cho phương tiện. Đến nay, nguồn hỗ trợ này không còn nên ngư dân gặp khó khăn.

Ngoài ra, Công ty Bảo hiểm cũng không bán bảo hiểm cho ngư dân nên anh gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm ăn trên biển, nhất là khi tàu gặp sự cố. Con tàu là tài sản có giá trị lớn, anh Kỳ mong muốn được mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển nhưng không được đáp ứng, theo anh đây là một thiệt thòi đáng kể đối với ngư dân.

Gắn bó nhiều năm với ngành thủy sản địa phương, Chủ tịch UBND xã Tam Quang Huỳnh Thị Mỹ Dung cho biết, trước đây gói bảo hiểm ngư dân được mua cho phương tiện tàu thuyền rất thấp, không tương xứng với giá trị của con tàu nếu gặp sự cố rủi ro. Công ty Bảo hiểm cần có sự tư vấn, giải thích rõ ràng về định giá giá trị tài sản của phương tiện để đưa ra gói bảo hiểm phù hợp.

"Mua bảo hiểm cho tàu cá, nhất là tàu khai thác dài ngày trên biển là nhu cầu cấp thiết của ngư dân, nhưng hiện tại các công ty bảo hiểm đều có thông báo dừng bán bảo hiểm nên bà con ngư dân rất băn khoăn.", Chủ tịch UBND xã Tam Quang lo lắng.

Từ khi Nghị định 67 có hiệu lực, các chủ tàu đóng theo Nghị định này được hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm tàu cá. Đến năm 2018, khi Nghị định này được đổi thành Nghị định 17 thì các chủ tàu được hỗ trợ 50% chi phí.

Từ tháng 5/2020 đến nay, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam là đơn vị triển khai chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh dừng bán bảo hiểm cho tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Việc công ty bảo hiểm dừng bán bảo hiểm cho tàu cá có nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân chi phí bồi thường cho phương tiện của ngư dân trong thời gian qua khá cao.

Ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số văn bản mới, như: Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thi hành Luật Thủy sản năm 2017.

Thế nhưng, một số quy định mới trong những văn bản này gồm: phạm vi hoạt động, định biên an toàn tối thiểu tàu cá, bằng cấp của thuyền viên… chưa được cập nhật trong Quy tắc bảo hiểm tàu cá xa bờ theo Nghị định 67, vì thế gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Mặt khác, do kết quả kinh doanh với tàu cá theo Nghị định 67 từ năm 2015 đến năm 2019 không cao; tỷ lệ tổn thất cao, số tiền bồi thường lớn, rất nhiều vụ tàu thuyền bị hư hại không rõ nguyên nhân. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng cường đánh giá rủi ro, đề phòng trục lợi bảo hiểm và tạm dừng bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cho đến khi có thông báo mới của Cục quản lý giám sát bảo hiểm.

Chia sẻ những khó khăn của bà con ngư dân trong việc mua bảo hiểm cho tàu cá cũng như thiết bị ngư lưới cụ, Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam đề xuất, hiện nay việc mua bảo hiểm cho phương tiện tàu cá của ngư dân phải tạm dừng vì nhiều lý do khác nhau cần được các cơ quan chức năng sớm phối hợp giải quyết để nối lại việc bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân.

Hầu hết các tàu cá đóng theo Nghị định 67 đều được ngư dân vay vốn của ngân hàng nên ngân hàng yêu cầu ngư dân phải mua bảo hiểm, trong khi đó ngư dân lại không mua được bảo hiểm. Mặt khác, trong quá trình đánh bắt dài ngày trên biển, hầu hết ngư dân đều mong muốn mua được bảo hiểm cho phương tiện của mình để giảm thiểu thiệt hại khi gặp rủi ro.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm