Ngư dân Bình Định gặp khó vì bảo hiểm tàu cá

Ngư dân Bình Định gặp khó vì bảo hiểm tàu cá

Ông Trần Văn Phúc - Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời các kiến nghị về chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Bộ Tài chính nêu rõ, đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm có một số nội dung không phù hợp với quy định về chính sách bảo hiểm tại Nghị định 67 (đối tượng được hỗ trợ và rủi ro được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm). Do vậy, trong khi Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung chưa được điều chỉnh, Bộ Tài chính chưa có cơ sở pháp lý để chấp thuận đề xuất sửa đổi quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo đề nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định chủ tàu phải mua bảo hiểm tàu cá trước khi ra khơi. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật.

Ngư dân có thể lựa chọn chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67 hoặc chính sách bảo hiểm khác (như chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa hoặc các sản phẩm bảo hiểm thương mại tự nguyện khác do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp).

Về khó khăn của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, Bộ Tài chính đã tổng hợp và có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 để đảm bảo chính sách bảo hiểm tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Trước đó, tháng 4/2020, các doanh nghiệp bảo hiểm gồm PVI, Bảo Minh, PJICO đồng loạt ký văn bản gửi Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đề nghị sửa đổi, bổ sung quy tắc, biểu phí chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 vì sau nhiều năm tham gia chương trình này, các doanh nghiệp bảo hiểm đều gặp tỷ lệ tổn thất quá cao. Do đó, các doanh nghiệp này tạm dừng bán bảo hiểm cho “tàu 67” cho đến khi nhận được chấp thuận của Bộ Tài chính theo đề nghị.

Tỉnh Bình Định hiện có 57 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67; trong đó 54 tàu đang hoạt động khai thác thủy sản và 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nằm bờ. Đáng chú ý, trong số 57 tàu này có 26 tàu còn hạn bảo hiểm tàu cá, 31 tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng không mua lại được do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tàu cá tạm dừng bán bảo hiểm cho loại tàu này.

Nếu theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định chủ tàu phải mua bảo hiểm tàu cá trước khi ra khơi. Tuy nhiên, tàu 67 là tài sản hình thành từ vốn vay của ngân hàng nên các ngân hàng không cho các tàu ra khơi khi hết hạn bảo hiểm, bởi nếu xảy ra rủi ro thì ngân hàng không thể thu hồi được nợ vay.

Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm lại không chịu bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép nên hiện chủ tàu 67 đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Bình Định vẫn đang gặp gỡ, vận động các doanh nghiệp bán bảo hiểm cho ngư dân để họ đủ điều kiện ra khơi - ông Phúc chia sẻ.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm