Nghiên cứu về yếu tố giảm nguy cơ béo phì ở trẻ nhỏ

Dinh dưỡng của thai phụ trong thời gian trước và trong thai kỳ có thể tạo ra khác biệt thực sự về cân nặng của trẻ trong những năm đầu đời. Kết luận này được đưa ra trong nghiên cứu quốc tế công bố mới đây trên tạp chí BMC Medicine.

Nghiên cứu được tiến hành đối với khoảng 500 phụ nữ cùng con của họ tại các nước New Zealand, Singapore và Anh. Trong nghiên cứu này, 50% số phụ nữ trên được uống bổ sung vitamin B2, B6, B12, D, men vi sinh và myoinositol, cùng với thực phẩm bổ sung tiêu chuẩn khi mang thai. 50% còn lại chỉ nhận thực phẩm bổ sung tiêu chuẩn khi mang thai. Cả hai nhóm này và đội ngũ y tế đều không biết họ thuộc nhóm nào.

Khi trẻ do các bà mẹ trên sinh ra lên 2 tuổi, các nhà nghiên cứu kiểm tra sức khỏe của số trẻ này, phát hiện ra rằng số trẻ béo phì là con của nhóm bà mẹ được uống bổ sung các dưỡng chất chỉ bằng 50% con của nhóm bà mẹ còn lại. Ngoài ra, nguy cơ tăng cân nhanh - một yếu tố thường dẫn đến béo phì - ở con của nhóm mẹ được uống bổ sung dưỡng chất thấp hơn gần 25% so với nhóm còn lại.

Theo Giáo sư Wayne Cutfield thuộc Khoa nội tiết trẻ em tại Viện Liggins của Đại học Auckland (New Zealand), dữ liệu trên cho thấy các mẹ được bổ sung dưỡng chất trước và trong thai kỳ không chỉ có lợi cho bản thân họ mà cho cả con của họ trong những năm đầu đời và khả năng lâu hơn nữa. Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu tác động đối với trẻ ở độ tuổi 6-8 và xác định cụ thể những dưỡng chất bổ sung nào đem lại tác động tích cực trong việc giảm hoặc ngăn nguy cơ béo phì.

Nghiên cứu do Viện Liggins dẫn đầu và được tiến hành trong khuôn khổ nghiên cứu NiPPeR, phối hợp với Đại học Southampton (Anh), Đại học quốc gia Singapore và Viện Khoa học Lâm sàng Singapore thực hiện.

Nguyễn Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm