Mỗi ngày, hàng triệu người trên thế giới tiêu thụ các chất tạo ngọt nhân tạo có trong hàng loạt sản phẩm, kể cả soda dành cho người ăn kiêng, nhằm tránh bị tăng cân do ăn đường. Tuy nhiên, lợi ích đối với sức khỏe của việc sử dụng các chất thay thế đường này là vấn đề gây tranh cãi lâu nay.
Các nhà nghiên cứu Viện INSERM của Pháp đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn nhằm đánh giá nguy cơ gây ra bệnh tim từ việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 100.000 người trưởng thành ở Pháp. Những người này tự khai báo chế độ ăn uống, lối sống và tiền sử bệnh tật của họ từ năm 2009-2021 trong khuôn khổ nghiên cứu mang tên NutriNet-Sante. 37% những người tham gia nghiên cứu này tiêu thụ các chất làm ngọt nhân tạo với liều lượng trung bình 42 miligram/ngày (tương đương 1 gói kẹo hoặc khoảng 1/3 lon soda dành cho người ăn kiêng). Trong vòng 9 năm sau đó, 1.502 người được ghi nhận mắc các bệnh về tim mạch, trong đó có đau tim, đau thắt ngực và đột quỵ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh tim được ghi nhận ở 346 trong tổng số 100.000 người dùng một lượng cao chất làm ngọt, trong khi con số này ở những người không tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo là 314/100.000 người.
Nhà điều phối nghiên cứu, ông Mathilde Touvier thuộc Viện INSERM nêu rõ: "Những kết quả này phù hợp với báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố trong năm nay, theo đó không ủng hộ việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay cho đường".
Trong báo cáo công bố tháng 4 vừa qua, WHO cho biết "không có sự nhất trí rõ ràng nào về việc các chất làm ngọt nhân tạo mang lại hiệu quả giảm cân lâu dài hoặc duy trì cân nặng, hoặc những chất này có liên quan tới những yếu tố sức khỏe khác về lâu dài hay không".
Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng với những phát hiện trên và kêu gọi chính phủ các nước cấp kinh phí cho các thử nghiệm ngẫu nhiên và dài hạn nhằm xác định rõ những tác động của chất làm ngọt nhân tạo đối với sức khỏe.
Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí BMJ số ra ngày 8/9.
Minh Châu