Nghiên cứu về khả năng mắc COVID-19 sau tiêm chủng chứng tỏ mức độ nguy hiểm của biến thể Delta

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà khoa học từ Florida (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu để xác định nguy cơ truyền virus SARS-CoV-2 từ những người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm biến thể Delta. Kết quả cho thấy tải lượng virus ở các ca nhiễm biến thể Delta sau tiêm phòng tương đối thấp so với ở những ca chưa tiêm, tuy nhiên, trong đa số trường hợp nhiễm biến thể Delta, tải lượng virus trên ngưỡng có thể lây sang người khác.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên trang medRxiv và đang chờ đánh giá của giới chuyên gia.

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp biến thể này vào loại Các biến thể đáng lo ngại (VOCs). Biến thể này chứa nhiều đột biến gai, giúp virus lây lan nhanh hơn và chống chọi tốt hơn với vaccine hoặc với kháng thể trong cơ thể người. Tại Mỹ, sự gia tăng mạnh số ca nhiễm Delta và số ca nhập viện liên quan đến biến thể này đã được ghi nhận từ tháng 6/2021, mặc dù độ bao phủ vaccine ở Mỹ rất cao. Điều này cho thấy hiệu quả phòng ngừa của vaccine giảm khi đối mặt với biến thể Delta. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy hầu hết các ca nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao, cho thấy khả năng truyền nhiễm virus cao hơn.

Nghiên cứu về khả năng mắc COVID-19 sau tiêm chủng chứng tỏ mức độ nguy hiểm của biến thể Delta ảnh 1 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã tìm hiểu liệu Delta có liên quan tỷ lệ nhiễm bệnh sau tiêm phòng ở mức cao hay không, và liệu những người đã tiêm đủ vaccine vẫn nhiễm Delta có thể truyền virus cho người khác hay không. Hơn nữa, họ cũng ước tính tỷ lệ có tải lượng virus ở những ca nhiễm biến thể Delta sau tiêm cao hơn tải lượng virus ở các trường hợp nhiễm khi chưa tiêm phòng.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu tổng cộng 4.439 mẫu gene của SARS-CoV-2, tương đương 23% tổng số ca nhiễm trong thời gian từ tháng 10/2020 - 7/2021 ở hạt Alachua, bang Florida. Trong số này, 109 ca nhiễm sau tiêm phòng. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một loạt phân tích thống kê để kiểm tra sự liên quan giữa tải lượng virus và khả năng lây nhiễm trong các ca nhiễm biến thể Delta sau tiêm.

Trong số 109 ca nhiễm sau tiêm nói trên, có 58 ca nhiễm biến thể Delta. Thời gian trung bình từ lúc tiêm đủ vaccine đến lúc nhiễm là 3 tháng. So với những người đã tiêm phòng, số ca nhiễm Delta được ghi nhận ở những người chưa tiêm cao hơn nhiều. Một phần lớn số ca nhiễm sau tiêm là lây truyền trong gia đình, trong cộng đồng và phơi nhiễm liên quan đến chăm sóc y tế.

Ở những người đã tiêm phòng vẫn nhiễm Delta, tải lượng virus giảm 38% so với ở những người chưa tiêm. Tuy nhiên, khoảng 59% ca nhiễm Delta sau tiêm phòng có tải lượng virus trên ngưỡng có thể lây truyền cho người khác.

Nghiên cứu cho thấy các loại vaccine ngừa COVID-19 không hoàn toàn hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm từ người sang người dù đã tiêm phòng đầy đủ. Các nhà khoa học cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu kỹ lưỡng hiệu quả của việc tiêm mũi vaccine tăng cường trong việc ngăn chặn các ca nhiễm sau tiêm phòng và khả năng lây truyền cho người khác.

Bích Liên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm