Nghệ sỹ các vùng Kinh đô Việt Nam hướng về cội nguồn

Nghệ sỹ các vùng Kinh đô Việt Nam hướng về cội nguồn

Sáng 20/9, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hướng về cội nguồn trong sáng tác văn học nghệ thuật” và trưng bày ảnh nghệ thuật với chủ đề “Di sản văn hóa lịch sử 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay”.

Nghệ sỹ các vùng Kinh đô Việt Nam hướng về cội nguồn  ảnh 1 Hội thảo “Hướng về cội nguồn trong sáng tác văn học nghệ thuật”. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Đây là hoạt động thường niên, kể từ khi có sự liên kết văn học nghệ thuật 5 vùng Kinh đô xưa và nay (Phú Thọ - Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến nay, sự kiện hoạt động văn hóa nghệ thuật này được các Hội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố tổ chức luân phiên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, nét văn hóa chung của các vùng Kinh đô xưa và nay, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương và cả nước.

Thực hiện lời dạy của Bác cùng với văn nghệ sỹ cả nước, những năm qua, Văn nghệ sỹ 5 vùng Kinh đô xưa và nay đã có nhiều nỗ lực đóng góp trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành văn học nghệ thuật, đưa sự nghiệp văn học nghệ thuật ngày càng phát triển, đóng góp xứng đáng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và cả nước. Những thành công của văn nghệ sỹ trong sáng tác văn học nghệ thuật những năm qua đã được ghi nhận, nhiều các nhân tiêu biểu được tôn vinh, đón nhận các phần thưởng cao quý của quốc tế, trung ương và các tỉnh về văn học nghệ thuật.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, đóng góp ý kiến về các nội dung như: Nghiên cứu, phát hiện làm nổi bật những giá trị di sản văn hóa của 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay trong sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật; Đánh giá việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các tác phẩm văn học nghệ thuật; Tác động của các tác phẩm văn học nghệ thuật hướng về cội nguồn trong đời sống văn hóa của nhân dân…

Nghệ sỹ các vùng Kinh đô Việt Nam hướng về cội nguồn  ảnh 2Các đại biểu và các văn nghệ sĩ tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Di sản văn hóa lịch sử 5 vùng Kinh đô Việt nam xưa và nay”. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho biết, đây là sân chơi hết sức có ý nghĩa vì đã tập hợp được đông đảo các văn nghệ sỹ của 5 vùng Kinh đô. Các nghệ sỹ cũng rất hào hứng khi được bộc lộ những tâm tư, thể hiện được tình cảm của mình qua các hoạt động sáng tạo tác phẩm. Đặc biệt, hội thảo là dịp để các văn nghệ sỹ, các nhà khoa học trao đổi những kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc khai thác những giá trị di sản văn hóa các dân tộc trong sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế khẳng định, tham dự hội thảo lần này tại đất Tổ Phú Thọ giống như một cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc. Đây còn là dịp để các văn nghệ sỹ giao lưu, học hỏi, bồi dưỡng thêm cho mình những hiểu biết về bản sắc văn hóa truyền thống của các vùng miền, thêm trải nghiệm để sáng tác các tác phẩm phong phú, có giá trị. Nội dung các tham luận được trình bày tại hội thảo cũng rất thiết thực, sâu sắc. Các văn nghệ sỹ đề cao việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc song hành với phát huy các bản sắc vùng miền.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình Phạm Thị Duyên cho rằng, di sản văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là nguồn cảm hứng xuyên suốt đối với các văn nghệ sỹ. Tuy nhiên, trong thời đại mới, văn nghệ sỹ cũng cần sáng tác trong một tâm thế mới, một mặt phải kế thừa tinh hóa văn hóa truyền thống, mặt khác cần tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài để thổi luồng gió mới vào các sáng tác của mình, để tác phẩm phù hợp với xu thế mới và thị hiếu của công chúng trong giai đoạn hiện nay…

Cũng trong khuôn khổ chương trình, 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật “Di sản văn hóa lịch sử 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay” được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ. Mỗi tác phẩm đã phản ánh sâu sắc cuộc sống, con người ở mỗi vùng miền khác nhau. Qua đó, làm nổi bật giá trị của nền văn hóa Việt Nam được bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa đến các thế hệ mai sau. Dịp này, nhiều văn nghệ sỹ còn dành thời gian đến tham quan, tìm hiểu và sáng tạo tác phẩm ở một số nơi như: Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, Đình cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì, các làng nghề truyền thống của Phú Thọ…

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm