Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba…
Câu ca dao xưa vừa là lời nhắc nhở, vừa như một sự khẳng định của những người con đất Việt ở khắp năm châu: Dù đi đâu, làm gì, thì đến ngày Giỗ Tổ cũng đều thành kính hướng về Đất Tổ, hướng về nguồn cội. Từ bao đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong tâm thức người Việt.
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba
Những ngày này, người Việt ở Việt Nam nói riêng, ở khắp năm châu nói chung đều thành kính hướng về Đất Tổ, nhớ đến ngày Giỗ Tổ 10 tháng 3. Tại các di tích lịch sử đền Hùng ở Phú Thọ và hàng ngàn ngôi đền khác trên khắp Việt Nam, người dân các địa phương đã thành kính dâng hương, tổ chức lễ Giỗ Tổ, để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng.
Tại tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về vùng đất tâm linh với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc gắn với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của vùng Đất Tổ. Đây cũng là dịp để cho thế hệ hôm nay nhớ về cội nguồn dân tộc; ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước trong dựng nước và giữ nước, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng đã có công dựng nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mọi người trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Năm 2024, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 được tổ chức với các hoạt động phần Lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, văn minh, mang tính cộng đồng; phần Hội vui tươi, lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ.
Không chỉ ở trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở khắp năm châu cũng thành kính tổ chức lễ Giỗ Tổ, bày tỏ lòng biết đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, từ năm 2015 trở lại đây, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp với các hội đoàn, cộng đồng bà con kiều bào các nước, các cơ quan ban ngành của Việt Nam, chính quyền các nước sở tại và bạn bè quốc tế đã tổ chức Lễ an vị tượng Vua Hùng ở hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tổ chức trực tiếp và trực tuyến Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu, kết nối các đại biểu trí thức kiều bào và bạn bè quốc tế ở gần 50 quốc gia trên cả năm châu lục. Chương trình được Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu duy trì tổ chức hàng năm, nhằm tạo dựng một ngày văn hóa chung - kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, xây dựng tình văn hóa, hữu nghị, chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Có thể thấy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên khắp đất nước Việt Nam và cả với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Theo thống kê, hiện cả nước hiện có trên 1.400 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam, với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian.
Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có trên 300 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó, Đền Hùng là trung tâm thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nơi thể hiện nghi thức về nguồn cội của hàng triệu người dân đất Việt. Những không gian thờ cúng Hùng Vương ấy là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự lưu truyền và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng là minh chứng cụ thể và sinh động, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Nét đẹp văn hóa của người Việt
Năm 2024 là năm thứ 12 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn tín ngưỡng, theo cam kết trong Chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng. Đến nay, di sản này đang ngày càng lan tỏa và có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của những người con đất Việt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sau 12 năm được UNESCO công nhận, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ văn hóa của một tộc người bản địa, một vùng, trở thành di sản của nhân loại, được nhiều người quan tâm, cả người Việt Nam ở trong nước và người Việt ở nước ngoài. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu, bám rễ vào máu thịt của các thế hệ người dân đất Việt từ ngàn đời nay, với tấm lòng thành kính tri ân các bậc tiền nhân, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng - Tín ngưỡng Thờ cúng các Vua Hùng ở Phú Thọ đã trở thành một phong tục đẹp, một nét văn hóa độc đáo, có một không hai của người Việt Nam, sẽ mãi mãi được trao truyền qua các thế hệ người dân bản địa, đồng bào cả nước và được bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cũng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt Nam, gắn với thờ cúng Tổ tiên là một biểu hiện nhất quán của văn hóa truyền thống dân tộc, được xem như một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự sáng tạo văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà tổ tiên ở đó” của người Việt, nên Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Quan niệm này đã dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng. Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tổ đã phát triển không chỉ trên vùng Đất Tổ, mà nó phát triển ở khắp các tỉnh, thành phố trên đất nước Việt Nam, xuyên cả quốc gia, vươn tới các cộng đồng người Việt đang sống ở các quốc gia khác. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ xây đền thờ Tổ Vua Hùng và cúng Giỗ Tổ ở đó, để cùng nhau tri ân công đức tổ tiên. Và Vua Hùng trong tín ngưỡng nguồn cội của nhân dân đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm cũng khẳng định, biểu tượng Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã không còn biên giới riêng, mà là biên giới cộng đồng, trở thành động lực tinh thần tạo nên sức mạnh đoàn kết cho dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt; là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong dựng nước và giữ nước.
Phương Hà