Nhiều hộ dân xóm Lũng Quang, Thị trấn huyện Thông Nông có thu nhập ổn định từ nghề làm giấy bản. |
Nguyên liệu chính để làm ra những tờ giấy bản là vỏ cây dưỡng (cây mạy Sla). Cây dưỡng sau khi bóc vỏ, phần vỏ đen bên ngoài sẽ được bóc hết, phần còn lại sẽ đem ngâm nước vôi 1 ngày. Sau khi ngâm, vỏ được rửa qua nước rồi đem đun khoảng 4 giờ. Sau đó rửa, ngâm nước 1 ngày đêm. Khi đã rửa sạch phơi khô thì đập cho thật nát, đây là phần khó nhất vì đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Công đoạn cuối là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều rồi trộn cùng nước từ dây trơn để làm cho giấy khi vào khuôn không bị dính. Sau đó, đem khuôn xuống bể múc, lắc đều và nhấc lên để nước trải đều trên khuôn, tạo thành một sản phẩm giấy ở dạng ướt. Giấy này sẽ được ép nước và dán lên 2 mặt lò đang đốt lửa đủ nhiệt độ. Gần 1 giờ, giấy sẽ được sấy khô và hoàn thành sản phẩm giấy bản có màu vàng nhạt. Đây là sản phẩm được nhiều người dân dùng trong những dịp lễ, tết...
Nhận thấy làng nghề truyền thống có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo cho nhiều hộ dân; năm 2012, Nhà nước hỗ trợ một số hộ dân trong xóm xây dựng lò dán khô, lò nấu vật liệu, bể nhúng… nhằm động viên, khuyến khích bà con lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống,
Ông Trương Văn An- Trưởng xóm Lũng Quang cho biết: hiện nay, xóm có 15 hộ dân, gần 60 nhân khẩu. Ngoài phát triển sản xuất, chăn nuôi, trên 90% hộ tham gia làm giấy bản. Đây là một trong những nghề đem lại thu nhập chính cho bà con, trung bình mỗi hộ một ngày làm được 500 tờ giấy bản; 1 tập giấy bản nhỏ với 100 tờ có giá 70 nghìn đồng; 1 tập giấy to 100 tờ có giá trên 120 nghìn đồng. Hằng năm mỗi hộ thu nhập bình quân từ 30 - 40 triệu đồng từ nghề làm giấy này.
Báo Cao Bằng