Nghệ An hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh khó khăn

Nhiều gia đình khó khăn trong việc mua máy tính trong khi học sinh học trực tuyến trên điện thoại . Ảnh: TTXVN phát
Nhiều gia đình khó khăn trong việc mua máy tính trong khi học sinh học trực tuyến trên điện thoại . Ảnh: TTXVN phát

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, kêu gọi các địa phương, các ban, ngành... cùng ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng khi tiếp cận phương thức dạy và học trong tình hình mới.

Nghệ An hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh khó khăn ảnh 1Nhiều gia đình khó khăn trong việc mua máy tính trong khi học sinh học trực tuyến trên điện thoại . Ảnh: TTXVN phát

Tại Nghệ An, thực hiện lời kêu gọi này, ý tưởng “Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” do MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An triển khai đang lan tỏa trong toàn tỉnh. Mục tiêu chính là hỗ trợ trên 40.000 học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị đủ thiết bị để học nếu địa phương phải chuyển sang học trực tuyến.

Trước ngày khai giảng năm học 2021-2022, một chiếc điện thoại thông minh được Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc gói cẩn thận, gửi đến điểm chốt của xã Nghi Tiến, sau đó được trao tận tay em Hồ Hoàng Vỹ, học sinh lớp 10C5 của trường. Qua khảo sát, Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 4 có 34/1.417 học sinh không có thiết bị học, hầu hết đều là học sinh đầu cấp. Năm 2020, nhà trường từng có thời điểm dạy học trực tuyến và đã kêu gọi hỗ trợ học sinh thiết bị. Năm học 2021 – 2022, việc thống kê danh sách, tìm hiểu hoàn cảnh học sinh khó khăn hơn do các em chưa tập trung nhập học, nhà trường chỉ có hồ sơ được chuyển từ trường Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, với quyết tâm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nhà trường đã huy động giáo viên chủ nhiệm bằng mọi cách liên lạc, kết nối với học sinh mới; đồng thời kêu gọi cựu học sinh, hội khuyến học, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ học trò nghèo.

Từ năm học 2020-2021, sau khi phải chuyển sang dạy học bằng hình thức trực tuyến, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc tặng học sinh thiết bị để học trực tuyến. Năm học 2021-2022, khi việc dạy học trực tuyến được triển khai với quy mô toàn tỉnh, phong trào này càng được lan tỏa, với sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và tổ chức, cá nhân.

Tại huyện Diễn Châu, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngày 9/9/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã có Thư kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả sau 4 ngày triển khai, Ban vận động đã nhận được sự ủng hộ của 42 đơn vị, cá nhân và các nhà trường; qua đó kêu gọi được hơn 400 triệu đồng, 214 máy điện thoại kèm với Sim 4G để hỗ trợ học sinh trong toàn huyện học trực tuyến.

Khi bắt đầu học trực tuyến, toàn huyện khảo sát chỉ có 75% học sinh đủ phương tiện để học. Do đó, từ ngày 1/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kêu gọi phụ huynh và các nhà hảo tâm cùng chung tay để mua sắm thiết bị cho con em học trực tuyến và đã kịp thời bổ sung thiết bị đủ cho 11.000 học sinh theo học. Các trường hợp còn lại, chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, sau khi có sự kêu gọi của MTTQ, đã kịp thời bổ sung và đến nay tỷ lệ có thiết bị học trực tuyến của toàn huyện đã đạt 98,8%. Đây là một kết quả rất lớn, cho thấy các cấp, ngành và người dân toàn huyện đã rất nỗ lực, cố gắng, quyết tâm không để con em phải lỡ học vì không đủ thiết bị học tập.

Sự chung sức, chung lòng thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, "dừng đến trường nhưng không dừng học" mà ngành Giáo dục Nghệ An đang triển khai trong năm học đặc biệt này đã tiếp thêm động lực cho học sinh nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 15 ngày triển khai (từ 30/8 đến 13/9), Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Nghệ An, các huyện, thành, thị, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã vận động được 60 máy tính, 583 điện thoại với tổng giá trị gần 1,6 tỷ đồng. Toàn bộ số máy tính, điện thoại đã được kịp thời trao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, năm học 2021-2022, Nghệ An có hơn 635.000 học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. Trong đó, gần 70.000 học sinh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến (chiếm 11%); số học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 42.449 em (chiếm 6,7%) và có gần 24.000 em (chiếm 3,77%) học sinh ở nơi không có kết nối Internet.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm