Trong khi các trường học ở tỉnh Nghệ An đã dừng tổ chức dạy thêm, học thêm thì việc dạy và học các chương trình tăng cường ở các trường phổ thông dân tộc bán trú theo Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND (quy định một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học phổ thông thực hiện thí điểm mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An) lại bắt đầu thực hiện. Với các môn học Tiếng Anh, Tin học, Kỹ năng sống và giáo dục Stem... chương trình được triển khai với mong muốn giúp học sinh ở các huyện vùng núi được phát triển toàn diện.

Cơ hội cho học sinh vùng khó
Từ tháng 12/2024 đến nay, ngoài dạy chính khóa ở trường, vào các buổi chiều, thầy Lê Công Trì, giáo viên dạy Tiếng Anh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thông Thụ, huyện Quế Phong đảm nhiệm thêm các tiết học Tiếng Anh cho học sinh các khối từ lớp 6 đến lớp 9. Với thời lượng mỗi lớp 2 tiết/1 tuần, hiện thời gian làm việc của thầy giáo Lê Công Trì trong ngày đã quá tải khi vượt hơn gấp đôi so với số tiết theo thời gian theo quy định. Mặc dù vậy, được dạy Tiếng Anh tăng cường cho học sinh với thầy vẫn là một niềm vui lớn.
Chia sẻ về điều này, thầy Lê Công Trì cho biết: Trường chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh nên thầy vừa đảm nhận công việc dạy chính khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi và cả dạy tăng cường. Tuy khối lượng công việc khá vất vả nhưng nhờ có thêm các tiết Tiếng Anh tăng cường vào buổi chiều, thầy có thêm thời gian để bổ trợ cho các em các kỹ năng nghe, nói và luyện tập.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thông Thụ là một đơn vị sớm triển khai việc dạy các tiết học tăng cường cho học sinh. Toàn bộ 341 học sinh (9 lớp) trong toàn trường được học tăng cường các môn Tiếng Anh, Tin học, Kỹ năng sống, giáo dục Stem với thời lượng mỗi tuần từ 1-2 tiết vào các ngày trong tuần, môn Tiếng Anh 2 tiết/tuần/lớp, Tin học 1 tiết/tuần/lớp.
Thầy Hoàng Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc dạy các chương trình tăng cường phù hợp với đặc thù của mô hình trường bán trú. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh được học các chương trình tăng cường theo đúng nghĩa nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách giúp các em được phát triển một cách toàn diện.
Thực hiện theo Nghị quyết 17, không chỉ học sinh mà giáo viên giảng dạy các chương trình tăng cường sẽ được hỗ trợ kinh phí với chi phí 100.000 đồng/1 tiết. Dù không lớn đây là nguồn hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực với các giáo viên sau nhiều năm dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí.
Thầy Bùi Đức Nam, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp cho biết: Trường khá thuận lợi khi dạy học tăng cường vì có đủ giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Trường giao cho giáo viên chủ nhiệm dạy luôn môn công nghệ và môn kỹ năng sống. Qua quá trình thực hiện, thầy thấy giáo viên rất hào hứng vì đây là cơ hội để tăng cường thêm kỹ năng cho học sinh. Giáo viên cũng sẽ được hỗ trợ một phần để có thêm thu nhập một cách chính đáng. Hiện, các trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở ở huyện Quỳ Hợp đã được Phòng giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch dạy học tăng cường theo Nghị quyết 17 và các trường đã tiến hành từ giữa tháng 1/2025.
Ông Hồ Bình Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Phòng đã tổ chức họp chỉ đạo triển khai dạy học tăng cường và đề nghị các trường tập trung xây dựng nội dung, kế hoạch dạy học tăng cường, bố trí đội ngũ giáo viên; phối hợp với các tổ chức đoàn thể có liên quan đóng tham gia dạy học tăng cường. Qua báo cáo, hiện việc dạy học ở các trường khá thuận lợi và phần lớn đều dạy học các môn cho tất cả khối lớp.
Tháo gỡ điểm “nghẽn”
Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học phổ thông thực hiện thí điểm mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An được thực hiện từ năm học này. Theo đó, 83 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và 2 trường trung học phổ thông được chọn xây dựng mô hình bán trú kiểu mới là Quế Phong và Kỳ Sơn sẽ được hỗ trợ kinh phí để dạy học tăng cường các môn Ngoại ngữ, Tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống. Qua quá trình triển khai cho thấy, dù Nghị quyết 17 được xem là bàn đạp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học cho các huyện miền núi nhưng việc thực hiện còn rất nhiều khó khăn, chậm so với tiến độ đã đề ra.
Nguyên nhân của việc “nghẽn” này xuất phát chủ yếu từ các điều kiện khách quan. Như tại huyện Quỳ Châu, nhiều trường hiện chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh và các giáo viên đã phải dạy vượt tiết với 30 tiết/tuần. Vì thế, khi triển khai chương trình tăng cường, nhiều trường cũng đã tính tới thuê giáo viên ở trung tâm, nhưng kinh phí chi trả 1 tiết dạy còn thấp nên khó thuyết phục giáo viên. Tại huyện Kỳ Sơn, qua thống kê, đang thiếu 27 giáo viên Tiếng Anh. Với môn Tin học, toàn huyện hiện cũng chỉ mới có 3 giáo viên/33 trường (ở cấp tiểu học) và 5 giáo viên/19 trường ở cấp trung học cơ sở. Vì thế khi triển khai chương trình tăng cường, do thiếu đội ngũ nên chỉ có thể dạy 1 tiết/tuần đối với điểm chính và khó triển khai với các điểm lẻ không tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học.
Tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất diễn ra ở nhiều trường học, nhiều địa phương. Một số nơi trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, nhất là giáo viên tiểu học, một số trường đang phải bố trí giáo viên văn hóa (đã được bồi dưỡng) sang dạy Tin học. Các giáo viên dạy Stem, giáo viên dạy kỹ năng sống chưa được đào tạo chính quy, chủ yếu là giáo viên dạy kiêm nhiệm, giáo viên được đào tạo đơn môn bố trí dạy Stem nên khó khăn khi dạy tích hợp, liên môn. Về chương trình dạy học cũng đang gặp khó khăn. Thực tế, do chưa có giáo trình, tài liệu dạy học tăng cường nên khó khăn cho các trường trong xây chương trình. Việc dạy học Stem đòi hỏi phải thực hành thông qua các hoạt động, nhưng giáo viên chưa có tài liệu hướng dẫn làm thí nghiệm, dự án thực tế, thiếu kinh phí để mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học.
Qua trao đổi, các giáo viên cũng cho rằng, chương trình tăng cường với chuẩn đầu ra là quá cao đối với học sinh miền núi. Trong khi đó hiện nay không có bộ đề thi, bài kiểm tra chung để đánh giá chính xác năng lực học sinh theo chương trình; không có cơ sở cho việc định lượng chuẩn đầu ra của chương trình tăng cường...
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Nghị quyết 17 là một chính sách thiết thực đối với các huyện miền núi, là sự ưu tiên của tỉnh dành cho các trường ở vùng khó khăn với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách ở các vùng, miền. Trong bối cảnh việc dạy thêm ở các trường tạm dừng theo Thông tư 29 thì việc triển khai Nghị quyết 17 có ý nghĩa thiết thực, giúp các trường thuận lợi trong việc triển khai dạy học 2 buổi/1 ngày, tạo cơ hội để học sinh được học thêm các môn tăng cường ngoài giờ học chính khóa.
Trong điều kiện cơ cấu giáo viên thừa - thiếu cục bộ, khó khăn tuyển dụng, ngành Giáo dục Nghệ An cũng đề nghị các địa phương điều hòa nhân lực hợp lý; các trường bố trí đội ngũ linh hoạt, với giáo viên đang phải dạy thừa tiết nhiều thì không bố trí kiêm nhiệm các hoạt động khác, đồng thời vận dụng cơ sở vật chất hiện có để phục vụ dạy học. Các trường cũng chủ động xây dựng chương trình tăng cường với thời khóa biểu, số tiết, chủ đề linh hoạt, không cứng nhắc. Sở sẽ tham mưu nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy; định hướng địa chỉ các nhà cung ứng đúng tài liệu cho các trường; xây dựng bộ sách Tiếng Anh dành riêng cho chương trình dạy tăng cường phù hợp với trình độ, vùng miền của học sinh.
Bích Huệ