Mô trình trồng thương phẩm Hà thủ ô đỏ tại Khu A - Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống. Ảnh: ngheandost.gov.vn/ |
Tại xã Mường Lống, Công ty sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu quý và triển khai kế hoạch cung cấp các loại giống cây dược liệu cho các địa phương trong cả nước. Đồng thời, hình thành một địa điểm giới thiệu, nghiên cứu, học tập về các cây dược liệu, kết hợp xây dựng thành khu tham quan, du lịch sinh thái. Tại xã Na Ngoi, Công ty tập trung phát triển các loại cây dược liệu có chất lượng cao với quy mô lớn. Tại xã Huồi Tụ, Công ty trồng thí điểm đương quy trên đất rẫy. Trong quý II/2019, Công ty cũng sẽ xây dựng một xưởng chế biến dược liệu, thu mua các sản phẩm dược liệu của người dân địa phương. Tại huyện Kỳ Sơn (huyện có độ cao và xa nhất của tỉnh Nghệ An), Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống đã triển khai trồng khảo nghiệm nhiều loại cây dược liệu khác nhau, như: sâm Puxailaileng, sâm 7 lá một hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đảng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ… Đến nay, các loại cây này phát triển tốt, có thể nhân rộng trên địa bàn. Hiện, công ty đang đề xuất với tỉnh Nghệ An thực hiện mô hình thí điểm nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ gắn với trồng dược liệu dưới tán rừng. Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống cho biết, toàn bộ diện tích trồng cây dược liệu của công ty nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mặt nước biển. Vì vậy, ở đây có điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu quý. Công ty coi yếu tố khí hậu là tài sản vô giá và là mấu chốt tạo ra sự khác biệt trong việc trồng dược liệu. Tuy nhiên, khu vực trồng dược liệu ở xã Mường Lống lại nằm trên dãy núi đá có độ dốc rất lớn, khả năng tích trữ các nguồn nước rất kém nên nguồn nước tại địa bàn rất khan hiếm, nhất là vào mùa khô, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Mặt khác, thành phần đất chủ yếu là sỏi đá do bị rửa trôi nhiều năm nên Công ty phải đầu tư thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế các nhược điểm này cho nên đã làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn quyết tâm phát triển hiệu quả cây dược liệu trên địa. Theo Công ty, địa bàn huyện Kỳ Sơn có thể phát triển được một số loại dược liệu rất quý như: sâm Puxailaileng, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, tuy nhiên, tại quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 3/4/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoach tổng thể các cây dược liệu trên địa bàn tỉnh thì một số cây dược liệu rất quý có thể phát triển rất tốt tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, nhưng chưa được đưa vào quy hoạch phát triển tại huyện Kỳ Sơn, vì vậy việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Công ty đang đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho bổ sung các cây dược liệu quý có thể phát triển tốt tại huyện Kỳ Sơn vào quy hoạch các cây dược trên địa bàn huyện./.
Nguyễn Văn Nhật