Ngày 20/4, tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong 3 ngày (20 – 22/4), với nhiều hoạt động chính như: “Vườn sách thiếu nhi” với các đầu sách hay phục vụ thiếu nhi; trưng bày sách theo chủ đề; trưng bày các mô hình sáng tạo sắp xếp từ sách (mô hình Lăng Bác, nhà sàn, biển đảo); sách giảm giá. Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động trải nghiệm cộng đồng như: Tái chế chai nhựa trồng sen đá, vẽ gỗ nghệ thuật, làm hoa giấy, làm thiệp cảm ơn, nhảy Zumba...; thiếu nhi tham gia vẽ tranh theo chủ đề “Những chú voi hạnh phúc”.
Dịp này, Ban tổ chức chương trình đã phát động phong trào thu gom sách cũ để ủng hộ dự án “Thư viện về Buôn” – dự án trao tặng sách cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Ban Quản lý Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, Ban tổ chức chương trình phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Ngọc Tý nhấn mạnh, sự kiện Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của những người yêu mến sách, báo. Sự kiện nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh các giá trị của sách trong đời sống xã hội và tôn vinh người đọc, những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.
Ông Nguyễn Ngọc Tý kêu gọi, người dân tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng mạnh mẽ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) hàng năm bằng các hành động thiết thực như: Mỗi ngày đọc vài trang sách, mỗi tuần đọc một cuốn sách; tôn vinh việc xây dựng các Tủ sách gia đình, dòng họ, những tấm gương tiêu biểu về lòng say mê đọc sách; tổ chức quyên góp sách ủng hộ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trong dịp này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sách và Văn hóa đọc như: Giới thiệu, trưng bày sách, tranh ảnh của các tác giả địa phương; tọa đàm các tác phẩm viết về chiến tranh Cách mạng. Song song với các hoạt động tại Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột, chương trình “Thư viện lưu động” của Thư viện tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố với nhiều hoạt động như giới thiệu sách, tổ chức Gameshow tìm hiểu nội dung liên quan về sách, viết cảm nhận về sách.
Ngày 20/4, tại huyện Đắk R’lấp, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Ngày Hội sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 8 năm 2021. Gần 500 người dân, bạn đọc và các em học sinh yêu sách đến tham dự.
Trong khuôn khổ ngày hội, hơn 11.000 bản sách được triển lãm, bày bán với nhiều thể loại phong phú. Trong đó, có không gian trưng bày hơn 100 đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, 100 bản sách tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng nhiều đầu sách, báo, tạp chí, sách tư liệu cũ, quý hiếm…
Ngày Hội sách năm nay diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật như: Trưng bày, triển lãm sách và phục vụ bạn đọc miễn phí, tổ chức trò chơi “Tìm hiểu luật bầu cử”, trò chơi Kahoot “Lịch sử, địa lý Đắk Nông”, trò chơi Rung chuông vàng, tập vẽ tô màu cho bé…
Theo Ban tổ chức, Ngày Hội sách là hoạt động được tổ chức hàng năm và có ý nghĩa thiết thực. Khác với những năm trước, năm nay hoạt động này được tổ chức tại cơ sở để đưa phong trào đọc sách đến toàn thể nhân dân, góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; đồng thời nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách.
Trong những năm qua, phong trào đọc sách tại tỉnh Đắk Nông phát triển mạnh mẽ. Việc xây dựng hệ thống thư viện, tủ sách thôn, xã luôn được các địa phương quan tâm. Số lượng sách, báo thường xuyên được bổ sung và cập nhật thông tin phục vụ đến từng đối tượng. Địa phương luôn khuyến khích hoạt động tìm hiểu về sách trong nhà trường, thông qua thư viện nhà trường, các câu lạc bộ về sách, hoạt động ngoại khóa…
Hoạt động của xe thư viện lưu động tỉnh Đắk Nông được xem là một cách hữu hiệu, đưa thông tin, tri thức đến với mọi nơi, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận thông tin tri thức, công nghệ, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh.
Hoài Thu-Nguyên Dung