Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nhà khoa học trẻ gửi trọn đam mê vào cây sắn

Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai trong một lần đi kiểm tra khu vực trồng giống sắn KM419 và KM440 tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh: TTXVN phát
Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai trong một lần đi kiểm tra khu vực trồng giống sắn KM419 và KM440 tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh: TTXVN phát

Với nhiều cống hiến cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là các công trình nghiên cứu phát triển giống sắn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên. Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai (sinh năm 1987, cư trú tại xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, Phú Yên), hiện là Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, vinh dự được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nhà khoa học trẻ gửi trọn đam mê vào cây sắn ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai nhận Bằng khen và biểu trưng tại Lễ tôn vinh "Nhà Khoa học của nhà nông lần thứ ba - năm 2020" (ảnh tư liệu). Ảnh: TTXVN

Chúng tôi gặp Tiến sỹ Mai trong chuyến công tác tìm hiểu về nông nghiệp tại huyện miền núi Đồng Xuân. Chia sẻ về “cơ duyên” gắn bó với nông nghiệp, chị bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông học ở Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, tôi về nhận công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, phụ trách lĩnh vực trồng trọt. Nhiều lần trực tiếp đi cơ sở, tiếp xúc với nông dân, lắng nghe những âu lo, trăn trở của nông dân, với trách nhiệm của người làm công tác nông nghiệp, tôi đã ấp ủ ý tưởng phải tìm ra kỹ thuật canh tác, giống cây trồng mới giúp nông dân chuyển đổi, sản xuất hiệu quả”.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nhà khoa học trẻ gửi trọn đam mê vào cây sắn ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai nhận Bằng khen và biểu trưng tại Lễ tôn vinh "Nhà Khoa học của nhà nông lần thứ ba - năm 2020" (ảnh tư liệu). Ảnh: TTXVN

Chị Trúc Mai nhận thấy cây sắn khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và là cây trồng chính của đa số người dân vùng núi Phú Yên. Tuy nhiên, đất ở nhiều vùng bị bạc màu, nông dân chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng và giá trị cây sắn mang lại chưa cao. Có nông hộ còn cho rằng sắn là "cây phá đất", chỉ cứu đói chứ không phải cây làm giàu. Từ những câu chuyện của người nông dân đến những trải nghiệm thực tế khiến Tiến sỹ Mai ngày đêm trăn trở và quyết tâm sẽ nghiên cứu kỹ về cây sắn.

Để theo đuổi đam mê, từ năm 2013 – 2017, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Tiến sỹ Trúc Mai dành nhiều thời gian theo học Thạc sỹ lĩnh vực trồng trọt, Tiến sỹ Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Nông lâm Đại học Huế. Với sự hướng dẫn của Tiến sỹ Hoàng Kim, chuyên gia về cây sắn, Nguyễn Thị Trúc Mai đã nghiên cứu lai tạo thành công giống sắn lai (KM419) từ tổ hợp giống sắn bố BKA900 nhập nội từ Brazil và giống mẹ KM98-5 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống năm 2009. Giống sắn mới được Tiến sỹ Mai lai tạo có nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, thân thẳng, tán gọn, dễ trồng dày, ít nhiễm bệnh, dẫn đầu về năng suất và các chỉ tiêu về hàm lượng tinh bột, chịu hạn và lưu giữ giống tốt.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nhà khoa học trẻ gửi trọn đam mê vào cây sắn ảnh 3Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai tại Lễ tôn vinh Nhà khoa học của nông dân lần 3 - năm 2020. Ảnh: TTXVN phát

Từ kết quả nghiên cứu, giữa năm 2014, Tiến sỹ Trúc Mai đưa giống sắn mới trồng khảo nghiệm với quy mô 4 ha tại một số vùng của Phú Yên cho năng suất cao, ít bị sâu bệnh. Chị cũng đã chuyển giao kỹ thuật trồng cho cán bộ nông nghiệp, nông dân các địa phương, chỉ sau 3 năm, diện tích trồng giống sắn KM419 tại Phú Yên đã lên hơn 500 ha; bội thu năng suất từ 6-8 tấn/ha so với giống cũ. Chị cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu biện pháp kỹ thuật thâm canh rải vụ sắn tối ưu cho giống sắn KM419; quy trình kỹ thuật canh tác sắn thích hợp với điều kiện sinh thái ở Phú Yên nhằm phát huy hết năng suất và hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Với nhiều ưu điểm, KM419 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống mới và hiện là giống sắn thương mại tốt nhất trong bộ giống sắn hiện có của Việt Nam, chiếm 42% diện tích sắn cả nước. Tại Phú Yên, niên vụ 2019-2020, KM419 là giống chủ lực, chiếm gần 80% diện tích sản xuất sắn toàn tỉnh, được trồng nhiều tại các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa. Năng suất bình quân của giống sắn này vào năm 2019 đạt 23,5 tấn/ha, cao hơn giống sẵn cũ KM94 khoảng 6 tấn/ha. Hiện nay, KM419 cùng các giống sắn bổ sung triển vọng KM444, KM440, KM397 do Tiến sỹ Mai nghiên cứu lai tạo, đã góp phần xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững, ổn định cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn của Phú Yên.

Sau nhiều năm canh tác giống sắn cũ KM94, ông Bùi Văn Sang (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) đã chuyển đổi toàn bộ gần 1 ha đất sang trồng giống sắn lai KM419. Theo ông Sang, giống mới rất bén với đất, cho năng suất cao và ít bị sâu bệnh hơn; sau mỗi vụ trồng, gia đình còn tận dụng thân cây làm giống cho vụ sau, tiết kiệm được nhiều chi phí trồng.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nhà khoa học trẻ gửi trọn đam mê vào cây sắn ảnh 4Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai trong một lần đi kiểm tra khu vực trồng giống sắn KM419 và KM440 tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, giống sắn lai KM419 đã được Tiến sỹ Mai nghiên cứu kỹ, chia sẻ kinh nghiệm trồng, kỹ thuật thâm canh rải vụ để nông dân có nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy với giá thành ổn định, không thu hoạch ồ ạt (dẫn đến khó khăn về đầu ra mỗi khi đến vụ như các năm trước), năng suất cao, giá thành ổn định nên bà con trong xã hầu hết đã chuyển sang trồng giống sắn lai KM419.

Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen như: Giải nhất "Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8" năm 2019; Bằng Lao động sáng tạo năm 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên. Ngày 29/12/2020, Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai vinh dự được tôn vinh là "Nhà khoa học của nhà nông" lần 3 năm 2020, vì đã nghiên cứu thành công giống sắn có hàm lượng tinh bột cao và kỹ thuật thâm canh, góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến, nâng cao hiệu quả, giá trị ngành Nông nghiệp chế biến nông sản của tỉnh.

Chia sẻ về những dự định của mình, "Nhà khoa học của nhà nông" Nguyễn Thị Trúc Mai cho biết: Những năm gần đây thời tiết bất lợi, đặc biệt bệnh sắn khảm lá và bệnh chổi rồng đang là hiểm họa chính đối với cây sắn tại nhiều địa phương trên cả nước. Hiện, tôi cùng với Tiến sỹ Hoàng Kim tiếp tục đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên”.

Đề tài này tiếp tục tích hợp nguồn gen kháng bệnh cải tiến vào giống sắn năng suất tinh bột cao nhất và ít nhiễm bệnh hại nhất hiện có ở Việt Nam; nâng cấp và cải tiến, bảo tồn giống sắn chủ lực tại Phú Yên phát triển bền vững, góp phần đưa năng suất sắn của tỉnh lên mức 30 tấn/ha, dần hình thành vùng giống sắn thương mại năng suất bột cao ít nhiễm bệnh, điển hình khu vực miền Trung”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Đào Lý Nhĩ cho biết, Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai là người gắn bó và đã dành nhiều tâm huyết, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập giúp nông dân ổn định sản xuất, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Những nghiên cứu của nhà khoa học trẻ Mai còn góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả giá trị cây trồng của tỉnh.

Phạm Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm