Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp khởi động quá trình phục hồi và tăng trưởng; đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho tất cả mọi người. Do đó, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã chọn chủ đề cho Ngày Du lịch thế giới năm nay là "Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm".
Du lịch toàn cầu trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử
Theo UNWTO dự báo, năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Trước đó, vào tháng 7/2020, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đã dự báo thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4-12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1,2-3,3 nghìn tỷ USD.
Song trên thực tế, con số thiệt hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi thời gian đình trệ chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Du lịch toàn cầu, ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều phải chịu tác động khủng khiếp của đại dịch, ước tính lượng khách đến du lịch giảm từ 60- 80%. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73% trong năm 2020, trong khi trong quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm đã là 88%.
Việc hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19 khiến du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng; trong đó châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phải chịu thiệt hại về du lịch nặng nhất trong năm 2020, với GDP ngành giảm 53,7% (-1.645 tỷ USD), số việc làm giảm 18,4% (-34,1 triệu việc làm) so với năm 2019. Châu Âu đứng thứ 2 với GDP ngành giảm 51,4% (tương đương -1.126 tỷ USD), việc làm giảm 9,3% (-3,6 triệu việc làm).
Theo Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, du lịch là cứu cánh cho hàng triệu người. Việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ khởi động lại du lịch một cách an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế.
"Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm"
Theo UNWTO, đại dịch COVID-19 đã có một tác động rất lớn tới kinh tế-xã hội tất cả các quốc gia. Tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp khởi động quá trình phục hồi và tăng trưởng. Quan trọng hơn là những lợi ích mang lại phải được lan tỏa một cách rộng rãi và công bằng. Đồng thời, du lịch mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho tất cả mọi người. Do đó, UNWTO đã chọn chủ đề cho ngày Du lịch thế giới năm 2021 là "Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm".
Theo Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili “thông qua việc kỷ niệm Ngày Du lịch, chúng tôi cam kết rằng khi du lịch phát triển, lợi ích mang lại sẽ được lan tỏa tới toàn ngành ở từng cấp độ dù đây là lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, từ hãng hàng không lớn nhất tới hộ kinh doanh gia đình nhỏ nhất. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình, khi chúng ta tiến về phía trước và nỗ lực xây dựng một thế giới thịnh vượng và hòa bình hơn thông qua du lịch, chúng tôi sẽ không bỏ ai lại phía sau. Đây là một cam kết kịp thời và tất yếu. Việc tạm ngừng du lịch quốc tế do đại dịch đã chỉ rõ mối liên quan của ngành du lịch tới xã hội của chúng ta. Những tác động tới kinh tế và xã hội đã vượt xa bản thân ngành du lịch. Và ở nhiều nơi, những thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Nỗ lực vì sự phát triển bao trùm là mở ra tầm nhìn tốt hơn về du lịch cho những người phía sau; đây là cách duy nhất để những người dân và cộng đồng đang có nhu cầu nhất hiện nay có thể tiếp cận được với việc khởi động lại du lịch và xây dựng nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn dành cho tất cả mọi người.
Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế, từng bước phục hồi du lịch nội địa
Từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng… Hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực, phải giải thể…
Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương 19 tỷ USD. Tám tháng của năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 105 nghìn lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa cũng chỉ đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 16,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch nội địa và du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và đã được Chính phủ chấp thuận.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, đến thời điểm hiện tại Phú Quốc đã chuẩn bị đảm bảo các điều kiện y tế, an ninh trật tự, đưa đón khách nhằm triển khai thực hiện kế hoạch đón khách một cách tốt nhất. Hiện tại, đã có 17 cơ sở lưu trú (trong đó có 8 cơ sở đạt chuẩn 5 sao), 5 công ty lữ hành và 7 doanh nghiệp giải trí tại Phú Quốc đăng ký tham gia chương trình.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc mở cửa đón khách quốc tế thông qua "Hộ chiếu vaccine" được thực hiện thí điểm tại Phú Quốc là sự kiện mở đầu cho chương trình thúc đẩy về du lịch quốc tế. Do đó, Bộ sẽ tích cực phối hợp với tỉnh để triển khai thực hiện các công việc trong thời gian sắp tới.
Về công tác quảng bá, xúc tiến cho kế hoạch này, ngay trong đầu tháng 10, Bộ sẽ có cuộc họp trực tuyến với Đại sứ các nước mà Việt Nam dự kiến tổ chức đón khách để đặt vấn đề về du lịch quốc tế, kêu hỗ trợ, quảng bá và làm công tác xúc tiến.
Theo kế hoạch dự kiến, chương trình mở cửa đón khách quốc tế tại Phú Quốc sẽ thực hiện trong 6 tháng. Từ ngày 20/11, Phú Quốc sẽ tổ chức đón từ 1-3 chuyến bay thuê bao đầu tiên đến Phú Quốc để vận hành thử nghiệm quy trình đón, phục vụ khách để đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ ngày 20/12 sẽ triển khai thực hiện với 2 giai đoạn. Đối tượng khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại TP Hồ Chí Minh, sau thời gian dài “ngủ đông”, ngành du lịch Thành phố đã đón những vị khách đầu tiên đến với huyện Cần Giờ. Đây là tour đầu tiên sau thời gian dài Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tour du lịch này do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tư vấn và trực tiếp tổ chức, phục vụ cho hơn 100 nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ, ngay sau khi được TP Hồ Chí Minh công nhận là một trong ba "vùng xanh” đầu tiên, huyện Cần Giờ đã cùng Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh xây dựng chương trình thí điểm tổ chức tour du lịch đến "vùng xanh" vào ngày 19/9.
Theo các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh, tour này chưa phải là tour đón khách đại trà nhưng có thể là bước đầu để ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cùng nhau tính đến chuyện khôi phục du lịch sau thời gian dài phải tạm ngưng vì dịch COVID-19.
Phương Anh (tổng hợp)