Ngày Du lịch thế giới 2020 hướng tới thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn

Những vườn dâu tây xanh mướt ở Kon Plông (Tây Nguyên) thu hút du khách tới cùng trải nghiệm. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Những vườn dâu tây xanh mướt ở Kon Plông (Tây Nguyên) thu hút du khách tới cùng trải nghiệm. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 16/9 cho biết: Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chọn chủ đề “Du lịch và phát triển nông thôn" nhân Ngày Du lịch thế giới 27/9 năm nay. Từ chủ đề này, Tổ chức Du lịch thế giới nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong kiến tạo cơ hội, bảo tồn giá trị văn hóa – tự nhiên tại các khu vực nông thôn trên toàn thế giới.

Ngày Du lịch thế giới 2020 hướng tới thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn ảnh 1Những vườn dâu tây xanh mướt ở Kon Plông (Tây Nguyên) thu hút du khách tới cùng trải nghiệm. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới Zurab Pololikashvili cho biết, Ngày Du lịch thế giới là cơ hội để nhìn nhận vai trò và khả năng kiến tạo tương lai của du lịch tại các khu vực nông thôn. Trên toàn thế giới, du lịch đã và đang trao quyền cho các cộng đồng nông thôn, mang lại việc làm và cơ hội phát triển cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên. Du lịch cũng tạo điều kiện cho cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản, truyền thống văn hóa và bảo vệ môi trường sống, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Đối với nhiều cộng đồng nông thôn trên khắp thế giới, du lịch là nguồn cung cấp việc làm và sinh kế hàng đầu. Ở nhiều nơi, du lịch được coi là một trong số ít ngành kinh tế giúp cho các cộng đồng nông thôn phát triển. Du lịch mang đến cho những người trẻ tuổi cơ hội kiếm sống mà không cần phải di cư trong nước hay ra nước ngoài. Hơn thế nữa, nhiều cộng đồng ở khu vực nông thôn hiện đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19 trong khi ít được chuẩn bị để đối phó với các tác động của khủng hoảng. Du lịch cung cấp một giải pháp cho tất cả những thách thức này.

“Du lịch và phát triển nông thôn” - chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2020 chỉ ra con đường để phục hồi khả thi của ngành du lịch là dành nhiều quan tâm hơn đến các điểm du lịch ngoài đô thị, các làng mạc, thôn xóm - những nơi ít được biết đến. Trách nhiệm của Tổ chức Du lịch thế giới là thúc đẩy một nền du lịch bền vững và có trách nhiệm, được thực hiện dựa trên các nguyên tắc công bằng xã hội và kinh tế, tôn trọng môi trường và văn hóa. Du lịch nông thôn sẽ là loại hình du lịch tạo ra sự tương tác tích cực giữa ngành du lịch, cộng đồng địa phương và du khách.

Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm, Ngày Du lịch thế giới sẽ do 5 quốc gia Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Chile với tư cách quan sát viên sẽ đồng đăng cai tổ chức nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn so với du lịch quốc tế; tạo cơ hội tốt cho các nước phục hồi kinh tế - xã hội sau các tác động của đại dịch COVID-19. Với giá trị, tầm quan trọng của du lịch nội địa và xu hướng hiện nay, các quốc gia cần tập trung vào chiến lược tiếp thị, quảng bá, tăng cường các gói hỗ trợ tài chính để sớm phục hồi thị trường du lịch nội địa.

Ở Việt Nam, ngành du lịch đang cần xây dựng kế hoạch phục hồi thật kỹ lưỡng, phù hợp với xu hướng thị trường. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và chú trọng đến tâm lý hay hành vi của du khách sau dịch COVID-19. Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) và báo điện tử VnExpress đang thực hiện khảo sát nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam nhằm giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch nhận định chính xác hơn về thị trường. Cuộc khảo sát sẽ diễn ra đến hết ngày 20/9.

Tổng cục Du lịch cũng đang tích cực chuẩn bị cho chương trình kích cầu du lịch lần 2. Trong đó, ngành du lịch tiếp tục hướng đến du khách nội địa, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá cả với thời gian chuyến đi phù hợp. Các sản phẩm du lịch phải bảo đảm chất lượng; khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia kích cầu để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ…

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm