Ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Các cô giáo Trường Mẫu giáo xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (Kiên Giang) làm đồ trang trí lớp học. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN
Các cô giáo Trường Mẫu giáo xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (Kiên Giang) làm đồ trang trí lớp học. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ba năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, các địa phương, đơn vị đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, năm học 2023 - 2024 đã cận kề nhưng tình trạng trên vẫn là vấn đề nan giải.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ảnh 1Các cô giáo Trường Mẫu giáo xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (Kiên Giang) làm đồ trang trí lớp học. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Thiếu giáo viên ở tất cả các bậc học

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cho hay năm học 2023 - 2024, tỉnh cần bổ sung 1.578 biên chế nhưng còn 1.198 biên chế chưa được tuyển dụng. Công tác tuyển dụng tuy đã được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện nhưng thực tế quy trình tuyển dụng kéo dài, tuyển dụng không đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra... dẫn đến còn nhiều biên chế chưa được tuyển dụng hết so với số lượng được giao hàng năm. Trong 1.578 biên chế cần bổ sung cho năm học 2023 - 2024, bậc Mầm non là 482 người, Tiểu học 542 người, Trung học Cơ sở 310 người, Trung học Phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên 244 người. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ dẫn đến việc bố trí định mức giáo viên/lớp, tỷ lệ bình quân học sinh/lớp chưa phù hợp, chưa đảm bảo định mức theo quy định.

Bậc Mầm non theo định mức là 2,2 giáo viên/lớp, hiện tỷ lệ này của tỉnh chỉ đạt 1,62 giáo viên/lớp. Bậc Trung học Cơ sở theo định mức là 1,9 giáo viên/lớp, hiện là 1,95 giáo viên/lớp. Khối Trung học Phổ thông và Giáo dục thường xuyên định mức là 2,25 giáo viên/lớp, hiện chỉ đạt 2,06 giáo viên/lớp.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ảnh 2Các cô giáo Trường Mẫu giáo xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trang trí trường, lớp chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Theo thầy Nguyễn Văn Thường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Lộc 3, huyện Châu Thành, năm học này, trường có 20 lớp với 580 học sinh. Trường được giao 35 biên chế nhưng hiện có 31 biên chế, còn thiếu 4 biên chế gồm: một giáo viên Tin học, một giáo viên Thể dục, một giáo viên Âm nhạc và một Kế toán. Đối với môn Tin học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân công một giáo viên ở trường khác đến dạy, còn môn Âm nhạc, Thể dục, nhà trường sắp xếp giáo viên có năng khiếu dạy tạm thời. Tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng chất lượng dạy học của trường, tạo áp lực cho giáo viên dạy tạm. Trường mong muốn được bổ sung giáo viên các môn đang thiếu để việc tổ chức dạy, học đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Trường Mẫu giáo xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành thiếu hai giáo viên theo quy định. Cô Nguyễn Thị Nhớ Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm qua, một số giáo viên của trường phải phụ trách lớp có nhiều trẻ hơn so với quy định nhưng trường không thể tách lớp bởi thiếu giáo viên. 5 lớp có sĩ số đến 47 trẻ nên 2 cô giáo chăm sóc rất vất vả. Trường mong muốn được bổ sung giáo viên hoặc có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên khi sĩ số vượt mức quy định.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ảnh 3Cô giáo Danh Ngọc Dung hướng dẫn học sinh Lớp 1, Trường Tiểu học Thạnh Lộc 3, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) viết bài. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Nỗ lực khắc phục

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tăng cường tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng nhiều lần trong năm; quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục được phân bổ hàng năm đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp để làm cơ sở cho việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ (số lớp học ít); sắp xếp lại các trường Mầm non, Phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển, nhân rộng trường Phổ thông nhiều cấp học, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt ngành bố trí sĩ số học sinh/lớp với tỷ lệ cao nhất, đảm bảo phù hợp theo quy định.

Theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp ngành Giáo dục và Đào tạo ở tỉnh, Sở kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập; xem xét, điều chỉnh cơ chế chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên Mầm non, đội ngũ nhân viên hỗ trợ, phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo đời sống, an tâm công tác; bổ sung vị trí việc làm trong trường Phổ thông, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, Tin học bậc Tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Dân tộc cấp Trung học Phổ thông.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ảnh 4Giờ học của học sinh Lớp 1, Trường Tiểu học Thạnh Lộc 3, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyển dụng số lượng biên chế còn lại so với biên chế đã được UBND tỉnh giao, gắn với kế hoạch tinh giản biên chế (ưu tiên tiếp nhận giáo viên chuyển công tác trong tỉnh từ nơi thừa sang nơi thiếu). Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định nhu cầu bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của các địa phương, đơn vị; tham mưu UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét yêu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu dạy và học của địa phương. Hai ngành cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyển dụng viên chức, sắp xếp mạng lưới trường lớp, điểm lẻ phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm