Cần có chính sách đặc thù, tạo nguồn giáo viên ở vùng sâu, biên giới Tây Ninh

Giáo viên Trường THCS Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tổ chức sinh hoạt lớp trước ngày khai giảng. Ảnh: Minh Phú - TTXVN
Giáo viên Trường THCS Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tổ chức sinh hoạt lớp trước ngày khai giảng. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, dự kiến bước vào năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh sẽ thiếu 1.350 giáo viên giảng dạy ở các cấp học. Trong đó, cấp Mầm non thiếu giáo viên nhiều nhất với số lượng 468 giáo viên, cấp Tiểu học thiếu 440 giáo viên, cấp Trung học Cơ sở thiếu 304 giáo viên, cấp Trung học Phổ thông thiếu 138 giáo viên.

Cần có chính sách đặc thù, tạo nguồn giáo viên ở vùng sâu, biên giới Tây Ninh ảnh 1Giáo viên Trường THCS Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tổ chức sinh hoạt lớp trước ngày khai giảng. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh sẽ có khoảng 237.624 trẻ em, học sinh các cấp học. Số giáo viên cần có để đáp ứng đủ cho công tác giảng dạy là 11.579 giáo viên. Tuy nhiên, lượng giáo viên hiện nay của toàn tỉnh chỉ có 10.229 giáo viên.

Ông Lê Bá Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Lê Kha cho biết, năm học 2023 - 2024, trường có tổng cộng 29 lớp, với 1042 học sinh. Hiện nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện liên quan để bắt đầu cho năm học mới đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trường vẫn thiếu giáo viên ở một vài bộ môn như: Sinh học, Toán, Ngữ văn…. Nhà trường đã tiến hành ký hợp đồng thỉnh giảng từ giáo viên ở các trường khác để đảm bảo công tác giảng dạy.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Lê Kha, thời gian tới, trường sẽ đẩy mạnh tuyển dụng để bổ sung nguồn giáo viên hiện đang thiếu, đồng thời đề xuất ngành Giáo dục quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng biên chế cho Ban Lãnh đạo nhà trường và tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo đủ giáo viên cho công tác giảng dạy.

Ông Hồ Hải Thọ, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh) cho biết, nguyên nhân thiếu giáo viên của tỉnh chủ yếu là do nguồn tuyển dụng giáo viên ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều không đạt yêu cầu theo biên chế được giao. Bên cạnh đó, áp lực công việc và chế độ tiền lương của giáo viên mầm non còn thấp nên chưa thu hút được nhân sự đăng ký vào ngành. Công tác tuyển sinh đào tạo giáo viên giảm nhiều nên thiếu nguồn đầu vào đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là đối với giáo viên Mầm non.

Theo ông Hồ Hải Thọ, trước đây, ngoài số giáo viên được đào tạo tại tỉnh, còn có nguồn giáo viên từ các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên, có rất ít giáo viên từ nơi khác đăng ký tham gia dự tuyển. Đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên - tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh), dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng không thể đảm bảo chất lượng khi giáo viên dạy bộ môn này.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh ở cấp tiểu học gặp khó khăn do không đủ đội ngũ giáo viên để bố trí thời lượng dạy học trên lớp. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới gặp khó khăn do hồ sơ đăng ký tuyển dụng chỉ tập trung ở khu vực có điều kiện thuận lợi. "Nếu không có chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, biên giới, khó có thể đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên để giảng dạy", ông Hồ Hải Thọ nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, để đảm bảo tốt nhất công tác giảng dạy cho năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện triển khai các giải pháp trước mắt như: Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường trên cùng địa bàn; đảm bảo chế độ và chi trả đầy đủ cho giáo viên giảng dạy vượt định mức. Đồng thời, Sở chỉ đạo phòng Giáo dục tại các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyển giáo viên hằng năm, những nơi khó khăn có thể tổ chức tuyển dụng nhiều lần trong năm...

Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và đào tạo sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ sinh viên vào ngành sư phạm, nhất là ngành học Sư phạm Mầm non; tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để thu hút, tạo nguồn giáo viên cho những năm về sau.

Bên cạnh đó, Tây Ninh cần tăng cường phối hợp với các trường Đại học Sư phạm để đào tạo giáo viên các môn còn thiếu; triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số đơn vị giáo dục công lập sang hình thức tự chủ; xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện, dành nguồn lực đầu tư cho những vùng khó khăn. Tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông nhằm nâng cao vị thế của đội ngũ giáo viên, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em theo học ngành Sư phạm và trở về công tác tại quê hương sau khi ra trường. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất về phương tiện làm việc và nơi ở để giáo viên an tâm khi về giảng dạy trên địa bàn, nhất là các đơn vị khu vực vùng sâu, biên giới.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho địa phương khi tổ chức thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT Quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Minh Phú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm