Trút giận lên nhân viên y tế
Các băng nhóm xã hội đánh nhau vào bệnh viện điều trị, cấp cứu hay các đối tượng say rượu, cướp giật, thậm chí là thân nhân bệnh nhân sốt ruột vì tình trạng bệnh tật của người nhà… có những hành động kích động, lời nói khiếm nhã đối với nhân viên y tế, đã không còn là chuyện hiếm. Mới đây nhất, tại bệnh viện quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), một bà mẹ đã hành hung bác sĩ điều trị cho con mình khi cho rằng các bác sĩ ở đây không tích cực cấp cứu. Đây không phải lần đầu các bác sĩ ở khoa cấp cứu của bệnh viện Tân Phú bị hành hung. Chỉ 4 ngày sau sự việc bác sĩ bị hành hung ở bệnh viện quận Tân Phú, bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức lại náo loạn vì người nhà bệnh nhân hành hung bảo vệ bệnh viện.
Dù đã thắt chặt các biện pháp an ninh nhưng nhân viên y tế vẫn bị hành hung.
|
Nhìn nhận về nạn bạo hành nhân viên y tế có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam, cho rằng đó là do sự suy thoái đạo đức chung của xã hội, nhận thức của người dân đối với ngành y không có sự hài lòng. Bên cạnh tâm lý người thân của người bệnh, còn do một bộ phận nhân viên y tế có thái độ chưa đúng.
Nhiều giải pháp giảm bạo hành
Trước vấn nạn bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng, các bệnh viện đã thắt chặt an ninh hơn như trang bị camera ở các phòng khoa, tăng cường đội ngũ bảo vệ, phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực để kịp thời xử lý những vụ gây rối, bạo hành. Theo bác sĩ Đinh Thanh Hưng, Giám đốc bệnh viện quận Tân Phú, sau vụ việc vừa qua, ngoài khoa cấp cứu được bố trí camera, bệnh viện còn lắp đặt camera tại các phòng khoa để giám sát kịp thời, nhờ công an khu vực can thiệp những tình huống tương tự, đồng thời tăng cường thêm bảo vệ. Còn theo bệnh viện Nguyễn Tri Phương, để bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh, bệnh viện cũng đã phối hợp với các lực lượng công an khu vực, lực lượng 113, lắp đặt camera, lực lượng bảo vệ tại chỗ, hệ thống cửa thoát hiểm và hướng dẫn để bác sĩ có thể tự phòng vệ chính bản thân mình.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết, Bộ Y tế đã có chương trình ký kết với công an để đảm bảo an ninh và an toàn cho bệnh viện. Bệnh viện ở khu vực nào sẽ ký kết với công an và an ninh ở khu vực đó. Trong phần tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế cũng đưa những tiêu chí rất cụ thể, khuyến khích các bệnh viện lắp đặt hệ thống camera theo dõi giám sát cũng như tăng cường hơn nữa hệ thống cửa ra vào, tăng cường thêm các đội bảo vệ bệnh viện, phản ứng nhanh.
Bên cạnh những giải pháp thắt chặt an ninh tại bệnh viện, giải pháp lâu dài vẫn là tuyên truyền cho người dân hiểu về công việc của ngành y và quan trọng nhất là tăng cường công tác tập huấn nâng cao giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế trong các bệnh viện. Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, bệnh viện cũng đã thành lập hẳn một phòng công tác xã hội để giải quyết những bức xúc của người bệnh và gia đình người bệnh cũng như tổ chức hệ thống đường dây nóng; đồng thời tập huấn thái độ giao tiếp của nhân viên y tế và có những biện pháp xử lý kịp thời đối với những nhân viên y tế có thái độ chưa đúng với người bệnh. “Sai sót trong y khoa cũng là một trong những bức xúc của người nhà bệnh nhân nên bệnh viện thường xuyên đưa bác sĩ đi học ở trong nước và ngoài nước để nâng cao và trau dồi thêm kiến thức y khoa cho y bác sĩ. Song song đó, bệnh viện còn mở rộng khu vực phòng khám, rút ngắn thủ tục, thời gian chờ đợi của bệnh nhân”, bác sĩ Nghiệm cho biết.
Trong khi đó, theo ông Phạm Mạnh Hùng, để tránh bạo hành và tránh sự xung đột giữa nhân viên y tế với người nhà bệnh nhân, trước khi tiến hành điều trị hoặc làm bất kỳ một thủ thuật gì thì bác sĩ cần phải có một sự giải thích chu đáo đối với người nhà bệnh nhân hoặc đối với bệnh nhân. Đối với bệnh viện, cần nâng cao tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc, giảm bớt sai sót y khoa. Khi có sai sót thì cần giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu về những sai sót đó.
Báo Tin Tức