Nét văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ - Cao Bằng

Nét văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ - Cao Bằng
Phụ nữ Sán Chỉ xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc giữ nghề truyền thống.
Phụ nữ Sán Chỉ xóm Khuổi Chủ,
xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc giữ nghề truyền thống.

Giống như người Lô Lô, 71 hộ đồng bào Sán Chỉ ở Khuổi Chủ chọn khu vực núi cao để dựng bản. Từ nhiều năm nay, bản của người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ rất bình yên, nhân dân tích cực lao động sản xuất; trẻ em đều đến trường; nhà nhà có trâu, bò, thóc ngô dự trữ mùa này qua mùa khác. Người Sán Chỉ ở nhà sàn, thiết kế theo kiểu 4 mái vững chắc, dưới nuôi nhốt gia súc. Người Sán Chỉ làm ruộng, chăn nuôi  trâu, bò, lợn, gà và làm các nghề thủ công như đan lát, rèn. Các sản phẩm sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa trở thành hàng hóa. 


Trong khi trang phục truyền thống của nhiều dân tộc đang dần bị mai một thì phụ nữ Sán Chỉ ở Khuổi Chủ vẫn thêu dệt, may vá như vốn quý của dân tộc mình. Hằng ngày, dù làm gì, ở đâu, người phụ nữ Sán Chỉ vẫn mặc trang phục truyền thống với niềm tự hào riêng. Chị Phón Thị Nòn, ở Khuổi Chủ cho biết: Trang phục do chính những đôi bàn tay phụ nữ Sán Chỉ làm ra, từ trồng bông, dệt vải, nhuộm màu. Vải có được màu sắc đẹp hay không là do kinh nghiệm của mỗi người, để có màu sắc ưng ý, phải làm nhiều công đoạn. Trang phục chính của phụ nữ Sán Chỉ là váy chàm dài ngang cổ chân. Áo mặc theo cặp, áo trong thường sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ. Khi mặc trang phục truyền thống, người phụ nữ Sán Chỉ vấn tóc, đội khăn màu đen viền đỏ và kèm theo các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam là áo kiểu bà ba, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi. Lễ cưới của người Sán Chỉ khá độc đáo. Trước khi đi tới hôn nhân, người Sán Chỉ chuẩn bị khá tỉ mỉ các nghi lễ như so mệnh, dạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới, dẫn cưới. Cũng giống như các dân tộc khác, đám cưới dân tộc Sán Chỉ thường được tổ chức vào mùa đông, mùa xuân hay vào dịp nông nhàn. Trong đó, họ thường chọn ngày mùng một đầu tháng hoặc ngày rằm (âm lịch) để làm lễ ăn hỏi. Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, phải ăn hỏi đến 3 lần, mỗi lần ăn hỏi lại đòi hỏi những lễ vật thách cưới khác nhau từ nhà gái. Không những thế, lễ rước dâu còn trải qua nhiều màn đối đáp vì họ tin rằng, như vậy vợ chồng sẽ mãi hạnh phúc, sống bên nhau đến “đầu bạc răng long” không chia lìa. Ngoài ra, người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ có tục bán họ, gọi là “mải tau” (bán đầu - ở rể) trong những trường hợp nhà gái không có con trai, nhà trai quá nghèo không có tiền lấy vợ hoặc trong trường hợp nhà gái nhiều tiền của. Theo tục này, việc hôn lễ diễn ra ngược lại với đám cưới lấy dâu về; con cái sẽ mang họ mẹ, gọi bố mẹ cô gái là ông bà nội, bố mẹ của chàng trai là ông bà ngoại. 

Người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ còn có lễ cấp sắc truyền thống. Theo tiếng địa phương, lễ cấp sắc có tên là lễ Thuổm Cuổn, được cấp cho người con trai mới lớn để chúng trưởng thành biết giúp cha mẹ lo chuyện làm ăn, đồng thời có tên âm khi về "thế giới bên kia". Con trai từ 12 tuổi trở lên đều phải qua nghi thức cấp sắc, kể cả khi đã có vợ con rồi mà chưa làm lễ cũng vẫn phải làm. Người Sán Chỉ quan niệm, đàn ông nếu chưa cấp sắc thì chưa trưởng thành, khi bố mẹ mất thì không được thờ cúng. Vì vậy, nếu đời bố chưa cấp sắc, đời con phải làm lễ 6 bước; đời ông chưa cấp sắc, đời bố chưa cấp sắc thì đời con phải làm 9 bước. 

Lễ cấp sắc thường diễn ra trong 5 ngày. Lễ vật gồm gạo, lợn, rượu, gà... Chi phí cho một lễ cấp sắc hiện khoảng trên 40 triệu đồng. Trong thời gian tiến hành lễ cấp sắc, mọi người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh. Các thầy đọc cho người thụ lễ mười điều nguyện, mười lời thề và mười điều cấm, như: không được sống gian lận, không được chửi mắng bố mẹ.., tất cả đều hướng cho người được cấp sắc sống đẹp, sống có ích cho xã hội. Ngày chính của lễ cấp sắc là ngày gia chủ mời dân làng, nhân dân các xóm lân cận đến ăn uống chung vui. Tuy việc làm lễ tốn kém về vật chất nhưng đổi lại người Sán Chỉ luôn giữ được nếp sống gia đình hòa thuận, gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Về nghi lễ tang ma, theo phong tục, người Sán Chỉ có hai hình thức làm ma (làm ma tươi, làm ma khô), song thông thường chọn cách thức tổ chức làm ma tươi. Lịch trình tổ chức tang lễ của người Sán Chỉ sẽ do các thầy cúng chủ động điều hành. Khi phát tang, tang chủ sẽ phải cắt tóc ngắn để thuận lợi trong việc thực hiện tục kiêng kị. Cụ thể, con trai không cắt tóc trong vòng 120 ngày đối với mẹ mất và 90 ngày đối với bố mất. Ngoài ra, trước khi đưa bố mẹ ra đồng, các con trai, gái, dâu không được dùng bát đũa ăn cơm mà dùng lá chuối ăn cơm, không được uống nước (trừ nước được thầy tào lấy sẵn), phải ăn chay tuyệt đối; con dâu, con trai không ngủ chung giường 21 ngày, đặc biệt trước khi làm lễ siêu thoát cho người chết, con cháu không được sát sinh. Ông Tẩn Văn Ón, Trưởng xóm Khuổi Chủ cho biết: Người Sán Chỉ làm ma rất tiết kiệm, nếu hoàn cảnh gia chủ khó khăn gia đình có gì làm nấy và tùy vào điều kiện hoàn cảnh gia đình có thể lập hay không lập bàn thờ tổ tiên.  
Trải qua thời gian với nhiều lớp văn hóa đan xen, người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cần chọn lọc các nét đẹp mang tính tích cực để tiếp tục phát huy.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm