Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ

Những năm vừa qua, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã nỗ lực lưu giữ, phát triển nhiều loại cây thuốc, gắn với phát triển kinh tế. Ảnh: Hải Quỳnh
Những năm vừa qua, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã nỗ lực lưu giữ, phát triển nhiều loại cây thuốc, gắn với phát triển kinh tế. Ảnh: Hải Quỳnh

Huyện Quản Bạ (Hà Giang) ngày nay không chỉ nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ mà còn được biết đến với những vườn rau xanh mướt, những vườn hoa tỏa ngát hương thơm. Phát triển theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ là đích đến của nông nghiệp Quản Bạ trong những năm tới đây…

Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ ảnh 1Một số doanh nghiệp đã đầu tư, chuyển giao công nghệ trồng rau sạch cho đồng bào dân tộc ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) tạo nên thương hiệu rau sạch Quyết Tiến. Ảnh: Hải Quỳnh

Những năm vừa qua, khai thác tiềm năng địa phương, Quản Bạ đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Huyện tập trung phát triển các mô hình có tiềm năng như trồng cây dược liệu, hồng không hạt, ngô lai, lạc, chè, rau trái vụ; nuôi bò vỗ béo, lợn, gà, ong… Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, Quản Bạ đã có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô trên 1.000 ha tại các xã Quyết Tiến, Tam Sơn, Quản Bạ, Tùng Vài. Điển hình như vùng sản xuất rau, hoa, cây dược liệu; vùng sản xuất cây lương thực, cây ăn quả; vùng phát triển chăn nuôi; vùng trồng bạc hà gắn với nghề nuôi ong lấy mật...

Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ ảnh 2Nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình ông Triệu Xuân Đức ở thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: Hải Quỳnh
Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ ảnh 3Huyện Quản Bạ (Hà Giang) chủ trương khuyến khích phát triển đàn bò theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, đồng bào dân tộc đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Quỳnh

Với trên 3.000 ha cây trồng, phần lớn là rau, hoa, cây dược liệu... Quyết Tiến hiện là xã trọng điểm của huyện Quản Bạ về phát triển nông nghiệp hiện đại. Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã và đang giúp đồng bào dân tộc nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ông Vàng Bình Nhi, người dân tộc Bố Y chia sẻ: “Gia đình tôi trồng rau và một số loại thảo dược như sâm dây Ngọc Linh, ngũ gia bì… trên diện tích 0,7 ha. Trước đây, do chưa biết cách trồng nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên cây cho năng suất cao hơn, giúp gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.

Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ ảnh 4Những năm vừa qua, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã nỗ lực lưu giữ, phát triển nhiều loại cây thuốc, gắn với phát triển kinh tế. Ảnh: Hải Quỳnh

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại đã giúp nâng cao giá trị nhiều sản phẩm nông nghiệp của Quản Bạ. Huyện hiện có 16 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh, tiêu biểu như trà gừng Cao nguyên đá, nước tắm thảo dược, thảo dược ngâm chân, cao Atiso…

Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ ảnh 5Đồng bào dân tộc ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ xây dựng Hợp tác xã cộng đồng thôn Nặm Đăm trở thành hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Hà Giang có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ cây dược liệu. Ảnh: Hải Quỳnh
Nét mới của nông nghiệp Quản Bạ ảnh 6Nhận thấy thị trường chè đang ngày càng mở rộng, Hợp tác xã Suối Vui ở xã Cán Tỷ đã phát triển thương hiệu chè Tùng Vài - sản phẩm chè đầu tiên của huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: Hải Quỳnh

Ông Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quản Bạ cho biết: “Tới đây, Quản Bạ sẽ chú trọng sản xuất nông nghiệp theo lối truyền thống kết hợp khoa học hiện đại, đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản chủ lực… từ đó xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững”.

Hải Quỳnh

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm