Đã thành thông lệ, một ngày cuối tháng 12 Âm lịch, gia đình anh Đinh Thanh Quán (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) lại tụ họp đông đủ để chuẩn bị mâm cơm cuối năm “dâng lên” cha mẹ. Mâm lễ chỉ là những sản vật của địa phương, song là món ăn mà bố mẹ ông Đinh Thanh Quán ưa thích.
Để chuẩn bị mâm cỗ, từ nhiều ngày trước đó, các anh em, con cháu trong gia đình người được phân công vào rừng, người ra chợ chọn món rồi cùng nhau tự tay chế biến để thể hiện lòng thành kính của mình đối với cha mẹ.Anh Đinh Thanh Quán (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) chia sẻ, hằng năm cứ vào dịp cuối năm, con cháu thường làm mâm cơm dâng lên với ước nguyện chúc cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi để cùng sum vầy bên con cháu.
Theo ông Quán, mâm cỗ được làm trong tục “giỗ sống” không nặng tính hình thức, ai có kinh tế thì làm nhiều, ai khó khăn thì làm ít. Song điều quan trọng là tấm lòng thành của con cái dâng lên các bậc sinh thành quanh năm vất vả làm lụng nuôi các con trưởng thành. Tuy nhiên, mâm cơm vẫn phải tươm tất, những người con hiếu thuận phải biết chọn được những món cha mẹ thích ăn để báo hiếu.Người dân tại các địa phương huyện Minh Hóa quan niệm, cha mẹ quanh năm vất vả làm lụng để nuôi con cái trưởng thành, nay cha mẹ già yếu con cái dù làm ăn xa ở đâu, giàu sang hay nghèo khó đều trở về làm mâm cơm dâng lên đấng sinh thành để tỏ lòng hiếu kính. Đây là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu và cần được phát huy, gìn giữ.
Bên mâm cơm “báo hiếu”, cả gia đình ngồi cạnh nhau. Các bậc sinh thành luôn cảm thấy vui khi con cháu khỏe mạnh. Tại đây, các con, cháu lần lượt dành những lời cầu chúc cho bố mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi để hưởng phúc vui cùng con cháu. Những ai làm điều khiến cha mẹ, ông bà phiền lòng cũng có dịp để nói lời sám hối, sửa chữa sai lầm.
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, tục “giỗ sống” hay còn gọi là bưng cỗ Tết cho ông bà, cha mẹ và người cao tuổi trong dòng tộc đã có từ rất lâu từ huyện Minh Hóa, song chưa xác định được có từ bao giờ. Đây là nét văn hóa rất đặc sắc của người Nguồn tại huyện Minh Hóa. Hiện nay, tục này đang có những thay đổi, người dân làm mâm cỗ “giỗ sống” cha mẹ, sau đó cũng làm lễ tất niên cho một năm cũ, đón chào năm mới. Tuy nhiên, cũng có gia đình vẫn giữ nguyên nét văn hóa cũ, từng người con làm mâm cỗ để báo hiếu cha mẹ.
Theo ông Đinh Xuân Đình, tục “giỗ sống” cha mẹ có nhiều điển tích, tuy nhiên người ta vẫn truyền nhau rằng, xưa kia người dân rất đói, những người con hiếu thảo thường bẫy heo rừng để “dâng” lên cha mẹ ăn. Sau đó, cha mẹ cứ nhắc lại và con cháu cứ năm nay qua năm khác nảy sinh ý tưởng chọn những ngày cuối của tháng Chạp để bưng “cỗ Tết” là những món ăn cha mẹ thích, hợp khẩu vị để báo hiếu cha mẹ. "Mâm cỗ bưng lên cha mẹ ngày Tết là tập tục đẹp và ý nghĩa, song ngày nay đã dần bị phai nhạt và có nhiều địa phương không tiếp tục duy trì. Những người dân ở huyện Minh Hóa hiện còn lưu giữ được tập tục này là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải tích cực tuyên truyền để người dân duy trì tập tục này, song về bản chất là phải duy trì được nét văn hóa, văn minh, cái đẹp, không sa vào sự lạc hậu, mê tín dị đoan”, ông Đinh Xuân Đình lưu ý.
Tục “giỗ sống” được xem là một nét văn hóa đẹp của đồng bào huyện Minh Hóa. Người dân ở đây luôn coi đó là một nét đẹp ứng xử, là một phần thước đo đạo đức của cá nhân trong cộng đồng làng xã mình. Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng đối với mỗi người con nơi đây, dù đi làm ăn xa, song cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về đều nhớ về quê hương, nhớ gia đình. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy và báo hiếu lên những bậc sinh thành.
Tá Chuyên