Dù đã có nhiều biện pháp được thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động du lịch trở lại an toàn, nhưng trên thực tế tác động của dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng thị trường vẫn chưa kết thúc. Để tồn tại, phát triển bền vững, ngành du lịch phải nhanh chóng đưa ra những chiến lược, bước đi phù hợp với xu hướng mới của thị trường và sự thay đổi nhu cầu của du khách. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp bước vào giai đoạn mới với những giải pháp, cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy sự chuyển động của thị trường du lịch nội địa, nhất là du lịch tại chỗ.
Để ghi nhận vấn đề này, TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết "Nâng tầm du lịch nội địa", phản ánh tình hình thực tế, những nỗ lực, giải pháp nhằm vực dậy ngành du lịch, nhất là du lịch nội địa.
Bài 1: Dự báo thị trường phục hồi chậm
Sự phục hồi của ngành du lịch được dự báo sẽ diễn biến chậm do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và nhiều quốc gia đang tiếp tục sử dụng lệnh cấm du lịch để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các chuyên gia hàng đầu của ngành du lịch cũng thận trọng đưa ra những nhận định về bức tranh toàn cảnh của thị trường trong tương lai. Phần lớn những dự báo chỉ ra ra rằng, sự trở lại của ngành du lịch có thể phải chờ đến năm 2023.
Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, sau hơn một năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành du lịch, có rất ít khả năng lạc quan vào đầu năm 2021. Những hạn chế đi lại vẫn đang được áp dụng do nhiều nước cố gắng ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19, nhất là chủng virus mới.
Theo Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, tuy nhiều biện pháp hỗ trợ cho du lịch quốc tế trở nên an toàn, nhưng cuộc khủng hoảng của ngành du lịch vẫn chưa kết thúc.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến du lịch khi dịch COVID-19 diễn ra.
Cụ thể, công nghệ số có thể giúp triển khai kịp thời xét nghiệm, truy tìm nguồn gốc... là nền tảng thiết yếu thúc đẩy du lịch an toàn và chuẩn bị cho du lịch phục hồi khi điều kiện cho phép.
Khai thác hiệu quả du lịch nội địa
Tại Việt Nam, do tác động của dịch COVID-19, hầu hết chỉ tiêu phát triển ngành du lịch chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra và đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Tác động từ giãn cách xã hội đòi hỏi ngành du lịch phải tái cơ cấu lại, với việc đẩy mạnh giải pháp khai thác hiệu quả thị trường nội địa và tung ra sản phẩm, dịch vụ du lịch tại chỗ hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, đặc thù của lĩnh vực du lịch là mang tính liên ngành, liên vùng... nên nhiều hoạt động phụ thuộc vào sự phối hợp của các đơn vị liên quan và chỉ đạo của Chính phủ.
Ở góc độ địa phương, bước vào năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ứng phó, phục hồi sau dịch COVID-19.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá điểm đến và thương hiệu du lịch, kích cầu du lịch, khai thác ứng dụng số hóa trong ngành du lịch.
Hướng đến những mục tiêu trên, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước định hình phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn. Trong đó, Sở Du lịch thành phố phối hợp với nhiều đơn vị liên quan, khảo sát và xây dựng hệ thống dữ liệu về địa điểm du lịch gắn với nghệ thuật truyền thống.
Thông qua đó, các đơn vị này sẽ kết nối đơn vị quản lý điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống với công ty lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định hoàn chỉnh sản phẩm du lịch “Biệt động Sài Gòn”.
Về du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ xúc tiến điểm đến, sản phẩm cho người dân làm du lịch; kết hợp đánh giá việc khai thác 7 tour du lịch nông nghiệp sinh thái đã công bố; hình thành và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với xu hướng du lịch tại chỗ (staycation) trong điều kiện bình thường mới.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu, tham mưu xây dựng bản đồ tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố; xây dựng, hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch đường thủy gắn kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành; triển khai ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý các tuyến du lịch đường thủy.
Ngoài ra, Sở Du lịch và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2019-2025, nâng cấp website du lịch y tế, đa dạng hóa và làm phong phú cẩm nang y tế, giúp khách du lịch tiếp cận dễ dàng thông tin hệ thống cơ sở khám chữa bệnh; tổ chức hội thảo chuyên đề về du lịch y tế...
Yêu cầu liên kết chuỗi cung ứng
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cho rằng, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; 5 tỉnh Đông Nam Bộ; các tỉnh Tây Bắc mở rộng; khu vực Đông Bắc; thành phố Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, hiệp hội du lịch đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng sản phẩm của chương trình liên kết cần phát huy tính độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và cả vùng.
Hoạt động thúc đẩy xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của doanh nghiệp địa phương phải dựa trên nền tảng nghiên cứu, đề xuất của những đơn vị trong ngành và tại địa phương.
Điển hình, Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về giải pháp triển khai Đề án Du lịch thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh không nên dừng lại ở cơ quan quản lý nhà nước, mà cần mở rộng lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đầu ngành... từ đó nghiên cứu thực hiện số hóa điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo... Hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR Code tương tác tại điểm tham quan, bảo tàng, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố... nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch.
Liên quan đến hợp tác phát triển du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức cụ thể chương trình liên kết giữa vận tải hàng không, đường sắt và đường bộ.
Những đơn vị cung ứng dịch vụ, đơn vị lữ hành và khách sạn, điểm mua sắm... cũng phải tham gia chuỗi cung ứng để triển khai gói kích cầu quy mô lớn phạm vi cả nước với sản phẩm, dịch vụ có chính sách giá tốt thu hút du khách.
Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác trong ngành, cũng như đa dạng hóa thêm mảng kinh doanh khác bổ trợ nhau trong toàn hệ thống vượt qua giai đoạn khó khăn như triển khai dịch vụ, đào tạo, thương mại...
Trong đó, doanh nghiệp phải chú trọng nguyên tắc khách hàng là trung tâm, tất cả mọi thay đổi đều nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng hay lớn hơn là nhu cầu của xã hội.
Bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc khách sạn Grand, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong lĩnh vực khách sạn vẫn xác định du lịch nội địa là mũi nhọn nên khai thác khách hàng nội địa thông qua việc tham gia chương trình kích cầu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo đó, khách sạn sẽ chủ động xây dựng thêm nhiều gói sản phẩm kết hợp giữa dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hội nghị, giải trí... phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự báo, việc phát triển kinh doanh ẩm thực không chỉ là việc nắm bắt xu hướng của thị trường, mà còn phát huy thế mạnh hiện có của lĩnh vực khách sạn trong thời gian tới.
Đây cũng chính là yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch khám phá, trải nghiệm khi đến với đất nước và con người Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng./.
Mỹ Phương
Bài 2: Bài toán điểm đến an toàn, tiện lợi