Nắng nóng kéo dài khiến cây trồng ở Đồng Nai giảm năng suất

Mùa khô năm 2024 tại Đồng Nai nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài khiến nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị mất năng suất, nhiều loại cây trồng suy kiệt. Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng chống chọi với nắng nóng, khô hạn như: bón phân, tưới nước; trong đó, xác định giải pháp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu là cần sản xuất theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất và nguồn nước.

caytrongLamSanCamMyDongNai.png
Vườn cà phê của nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) bị suy kiệt do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài. Ảnh: baodongnai.com.vn

Cây trồng suy kiệt, giảm năng suất

Ghi nhận tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, nhiều diện tích vườn tiêu có biểu hiện vàng lá, rụng trái, các hộ trồng tiêu cho biết nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, không đủ nước tưới khiến cây trồng suy kiệt.

Ông Trần Văn Hùng, hộ trồng tiêu tại xã Lâm San cho biết: Mùa khô năm nay kéo dài, từ tháng 9 năm ngoái đến nay vẫn chưa xuất hiện cơn mưa nào. Cao điểm nắng nóng bắt đầu từ tháng 2, sớm và kéo dài hơn so với những năm trước. Nắng nóng khiến nguồn nước cạn kiệt, các hộ dân phải dùng máy bơm nước liên tục để cứu cây, tuy nhiên, chi phí điện tăng cao nhưng cây trồng vẫn bị suy kiệt do thiếu nước.

“Giờ về Lâm San khó tìm được vườn tiêu nào tươi tốt lắm, các vườn tiêu ở đây cây trồng đều bị vàng lá, nhiều cây bị rụng trái, cây bị suy kiệt, điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trong vụ này, mà có thể cần nhiều năm dưỡng, khôi phục lại sức cây. Dự tính, năm nay năng suất vườn tiêu bị giảm hơn 30%”, ông Trần Văn Hùng chia sẻ.

Ngay cả những loại cây trồng chịu hạn tốt như cây điều cũng bị ảnh hưởng nặng do khô hạn, nắng nóng kéo dài. Ông Nguyễn Văn Thu, nông dân trồng điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho hay, vụ thu hoạch năm nay, vườn điều của gia đình ông cho năng suất kém hơn hẳn mọi năm.

Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài trong khi cây trồng này hầu như không được đầu tư hệ thống tưới nước nên bị ảnh hưởng lớn về năng suất. Hiện, giá điều bán ra ở mức 20.000 đồng/kg, giá bán này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do hạt điều bị nhỏ, chất lượng hạt kém vì chịu ảnh hưởng của thời tiết khô hạn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, nhiều loại cây ăn trái như: xoài, sầu riêng, chôm chôm… bị giảm năng suất, kinh tế người nông dân bị ảnh hưởng nhiều.

Đơn cử như cây sầu riêng, năm nay, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại huyện Xuân Lộc bị giảm năng suất do tình trạng bị khô hoa hoặc rụng trái non. Nhà vườn nào cây ra hoa sớm hơn thì năng suất vẫn đạt, tuy nhiên những nhà vườn nào cây ra hoa muộn, đúng vào dịp cao điểm nắng nóng thì xuất hiện tình trạng khô bông, rụng trái non khiến cây trồng bị giảm, mất năng suất.

Nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng

Hiện nay, tình trạng thiếu nước tưới phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rất căng thẳng, trong khi nguồn nước tưới là một trong những nút thắt cổ chai trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho biết, hiện nay, tại huyện Cẩm Mỹ, sản xuất nông nghiệp của nông dân phụ thuộc vào nguồn nước từ giếng khoan. Vào mùa khô hạn, nguồn nước này bị cạn kiệt. Do đó, giải pháp lâu dài để phát triển sản xuất nông nghiệp là phải giữ được nguồn nước ngầm, nhưng nếu muốn giữ được nước ngầm thì phải giữ được đất vì đất với nước đi đôi với nhau.

“Cách để giữ được cả đất và nước là buộc phải chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để tăng độ mùn cho đất, vừa chống xói mòn, vừa giữ nước cho đất. Ngoài ra, địa phương cần đầu tư về thủy lợi, ứng dụng các giải pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước”, ông Nguyễn Ngọc Luân cho biết.

Để khắc phục tình trạng khô hạn, bảo vệ cây trồng, nhiều nông dân đã tích cực trữ nước, tưới tiết kiệm. Các hộ dân thực hiện đào ao trong vườn cây để trữ nước, lợp mái bên trên để ao không bị đóng rong và giúp giảm bốc hơi nước, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây.

Theo đại diện Hội Làm vườn Việt Nam, hiện nay việc phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng theo hướng nông nghiệp tuần hoàn rất quan trọng vì vai trò của ao hồ giúp phục vụ chăm sóc vườn cây, trữ nước, thoát nước và có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cây. Tuần hoàn nước trong mô hình vườn – ao – chuồng là giải pháp tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nước nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng như hiện nay.

Ngoài ra, các hộ dân cần hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, khuyến khích người dân phát triển các mô hình tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn bảo vệ môi trường.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết: Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng với điều kiện hạn hạn; trong đó, thực hiện tiết kiệm nước ở cả 4 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất, tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong quá trình canh tác.

Theo ông Trần Lâm Sinh, tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy cho các hệ thống sông; xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã nhân rộng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 60.000 ha, chiếm 31% so với tổng diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh có nhu cầu tưới nước. Tỉnh có 139 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng năng lực phục vụ tưới, tiêu khoảng gần 64.000 ha.

Lê Xuân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm