Những năm gần đây, đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng biên Tây Ninh đã được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn hơn 4% tổng số hộ dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Tây Ninh là tỉnh biên giới có 5 huyện, 20 xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có 21 dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn là đồng bào Khmer, Chăm và Hoa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Để cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng biên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách về y tế, giáo dục, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Ông Đốc Sốc Kha, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer ở xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, hầu hết bà con Khmer trong độ tuổi lao động đều được tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi gia cầm, lợn, bò; kỹ thuật trồng lúa, trồng rau sạch, cạo mủ cao su… Sau khi theo học, 80% đồng bào đã có việc làm, thu nhập từng bước được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Đến nay, tỉnh Tây Ninh về cơ bản đã xóa được tình trạng nhà ở dột nát. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được nâng cấp với 100% trục đường liên xã nhựa hóa, bê tông hóa, hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học. 100% trẻ em DTTS trong độ tuổi được đến trường; 100% hộ dân có điện, nước sạch sinh hoạt; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ khám, chữa bệnh…
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không còn hộ dân tộc nghèo vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nguồn nhân lực là con em đồng bào dân tộc thiểu số…
Đức Hoảnh – Thanh Tân