Để đảm bảo chất lượng học sinh trong năm học mới 2022 - 2023, ngay khi kết thúc năm học, trước khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Bắc Trà My (một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam) đã chủ động đầu tư khoảng 8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp lại hệ thống trường, phòng học, trang thiết bị giảng dạy của tất cả 39 trường học trên địa bàn. Nhằm chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của học sinh trong huyện với trên 61% là người dân tộc thiểu số như Cor, Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xê đăng), Mường…, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đầu tư hơn 680 triệu đồng để mua sách giáo khoa phát miễn phí cho học sinh các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Cùng với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu của 39 trường học đã huy động nhân lực, vật lực, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để sửa sang lại trường lớp, bàn ghế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường… sạch đẹp, khang trang, sẵn sàng cho năm học mới 2022 - 2023.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Bắc Trà My, năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 11.726 học sinh thuộc các cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở do Phòng quản lý, tăng khoảng 200 em so với năm học trước (chủ yếu là tăng ở cấp Mầm non).
Thầy Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My cho biết: Bước vào năm học 2022 - 2023, huyện có 813 giáo viên ở các cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Để nâng cao chất lượng dạy và học, Phòng đã tổ chức tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho 100% giáo viên trên địa bàn huyện. Các trường đã tổ chức tăng tiết học (dạy 2 buổi/ngày) và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và quản lý.
Nhờ vậy, tuy là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng trong các năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi ở cấp Tiểu học của huyện đạt 35%, cấp Trung học cơ sở đạt trên 11%. Cùng với việc chăm lo truyền dạy kiến thức cho học sinh, đội ngũ giáo viên của huyện rất quan tâm giáo dục lễ nghĩa, đạo đức cho các em. Tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá và tốt của các trường đều vượt trên 99%. Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Bắc Trà My phấn đấu có khoảng 35% học sinh cấp Trung học Cơ sở và Tiểu học đạt học lực giỏi.
Hiện ngành Giáo dục Bắc Trà My còn thiếu khoảng 18 giáo viên ở cấp học Mầm non, 15 giáo viên Tiểu học, 18 giáo viên Trung học cơ sở và 24 nhân viên. Để đảm bảo chất lượng dạy học, các trường còn thiếu giáo viên đang thực hiện ký hợp đồng giảng dạy với các giáo viên tự do trên địa bàn huyện. Toàn bộ hệ thống trường học của huyện đều đã được xây dựng kiên cố, có đầy đủ điện, nước, khu vui chơi, sinh hoạt, công trình phụ nhưng mới có 8/39 trường có y tế học đường để chăm lo sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Các trường còn lại phải phối hợp với Trạm Y tế của địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh và giáo viên.
Cô Phan Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ (xã Trà Giang) chia sẻ: Hầu hết học sinh của trường đều có hoàn cảnh rất khó khăn, điều kiện đến trường không được đầy đủ (thiếu áo, quần, giày dép, sách vở, bút,…). Hằng năm, trường có khoảng 15 em nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Trước tình trạng đó, để bảo vệ quyền được đến trường của học sinh, nhà trường đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể có nhiều hoạt động hỗ trợ để các em quay trở lại trường. Ngoài ra, hàng năm, đội ngũ giáo viên của trường còn trích lương và huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp, áo quần, sách vở, thức ăn… cho khoảng 50 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ bỏ học, để các em tiếp tục được đến trường.
Để tìm ra giải pháp truyền đạt kiến thức tối ưu nhất cho học sinh, các thầy cô giáo thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, thảo luận và đưa ra những giải pháp tích cực; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh. Trường còn tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, giáo dục bộ môn để giúp học sinh phát triển kỹ năng và năng lực…
Cô Phan Thị Thùy Trang chia sẻ, mong muốn cấp thiết nhất của trường hiện nay là được quan tâm hỗ trợ, đầu tư y tế học đường, để kịp thời xử lý những tình huống tai nạn thương tích không mong muốn và phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, giáo viên của trường, bởi quãng đường từ trường đến Trạm Y tế xã khá xa, làm mất đi “thời gian vàng” trong khám, chữa bệnh.
Trịnh Bang Nhiệm