Bổ sung biên chế năm học 2022-2023: Ngành Giáo dục Nghệ An từng bước tháo gỡ khó khăn trước thềm năm mới

Bổ sung biên chế năm học 2022-2023: Ngành Giáo dục Nghệ An từng bước tháo gỡ khó khăn trước thềm năm mới

Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Nghệ An được bổ sung 2.820 biên chế giáo viên cho năm học 2022- 2023; trong đó, bậc Mầm non là 2.164 biên chế, Tiểu học 498 biên chế, Trung học Cơ sở 142 biên chế và Trung học Phổ thông là 16 biên chế. Đây là tin vui cho ngành Giáo dục địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các giáo viên và các nhà trường trước thềm năm mới.

Bổ sung biên chế năm học 2022-2023: Ngành Giáo dục Nghệ An từng bước tháo gỡ khó khăn trước thềm năm mới ảnh 1Một giờ dạy và học của cô trò trường Tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Số lượng được bổ sung 2.820 biên chế cho năm học 2022-2023 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành chủ động có kế hoạch để đào tạo giáo viên chuẩn bị cho lộ trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nhất là các môn học đặc thù.

Trước đó, trong danh sách 63 tỉnh, thành trên cả nước, Nghệ An là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện địa phương đang thiếu trên 7.800 biên chế; trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 người; sau đó là bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và nhân viên.

Để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, Nghệ An đã triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt như: chuyển giáo viên hợp đồng đang dạy học tại các trường Trung học Cơ sở hoặc Tiểu học xuống trường Mầm non hợp đồng (hưởng chế độ tương đương viên chức); ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng (trong tổng chỉ tiêu biên chế); tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng… Đối với các huyện miền núi, tỉnh ưu tiên giao đủ giáo viên/lớp để đảm bảo hiệu quả, chất lượng dạy học vùng khó khăn. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn thiếu giáo viên do địa bàn rộng, trường có nhiều điểm lẻ. Bên cạnh đó, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ thiếu trầm trọng vì không có nguồn tuyển dù có chỉ tiêu.

Ngay sau khi có Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Công văn 35851/BGDĐT-NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong đó, đề nghị việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục Mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu... Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Được biết, trong Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm