Năm học 2022- 2023: Sóc Trăng ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ảnh: baosoctrang.vn
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ảnh: baosoctrang.vn

Trong những năm qua, công tác chăm lo, phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm; coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023, tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhiều trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của trẻ em vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Năm học 2022- 2023: Sóc Trăng ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ảnh: baosoctrang.vn

Hệ thống giáo dục dân tộc rộng khắp

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, đến cuối năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 481 trường học các cấp, trong đó 463 trường công lập (gồm 39 trường Trung học Phổ thông, 107 trường Trung học Cơ sở, 199 trường Tiểu học, 118 trường Mẫu giáo) và 18 trường ngoài công lập ở các cấp học.

Đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc, năm học vừa qua, tổng số học sinh dân tộc Khmer và dân tộc Hoa được huy động đến lớp từ bậc Mầm non đến Trung học Phổ thông là 92.726 em, chiếm 35,59% số học sinh toàn tỉnh; trong đó học sinh dân tộc Khmer chiếm 30,73%, dân tộc Hoa chiếm 4,86%. Hiện toàn tỉnh có 133 trường học dạy tiếng Khmer với 42.204 học sinh; 5 trường, 54 lớp dạy tiếng Hoa với 1.627 học sinh. Ngoài ra, địa phương còn có 10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với hơn 3.000 học sinh theo học hàng năm.

Công tác nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú luôn được quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Từ đầu năm học, các trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tăng cường các hoạt động giáo dục cho học sinh; thông tin kịp thời kết quả học tập đến phụ huynh để cùng phối hợp dạy và học hiệu quả.

Là một trong những trường có đông học sinh đồng bào dân tộc Khmer theo học, những năm gần đây, Trường Trung học Cơ sở An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của địa phương. Theo thầy Thái Đức Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mỗi năm trường đón trên 750 học sinh, trong đó gần 80% học sinh người dân tộc, chủ yếu là người Khmer… Năm học trước, được ngành Giáo dục và Đào tạo đầu tư hơn chục tỷ đồng, trường đã xây dựng khu các phòng chức năng, hội trường đáp ứng tốt việc dạy và học giúp trường đạt chuẩn quốc gia. Chuẩn bị năm học mới 2022-2023, trường tiếp tục sửa chữa các phòng học, bàn ghế xuống cấp với tổng kinh phí 600 triệu đồng.

Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành A, thị trấn Châu Thành, năm nay được tỉnh đầu từ xây mới 2 dãy phòng học. Cô Đoàn Thị Thu Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngôi trường mới đang hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 10. Trường có tới 40% trẻ em đồng bào dân tộc theo học. Hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường được đảm bảo. Nhờ được quan tâm đầu tư trường, lớp khang trang, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều kỳ vọng chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho biết: Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, huyện đã sửa chữa 12 điểm trường, đồng thời mở rộng và xây mới 2 trường, mua sắm bổ sung trang thiết bị. Vừa qua, Phòng đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị của các điểm trường, tham mưu UBND huyện cân đối nguồn kinh phí để đầu tư cho giáo dục. Đến nay, tổng kinh phí chuẩn bị cho năm học mới là khoảng trên 42 tỷ đồng; trong đó bao gồm việc mở rộng nâng cấp, tiến hành sửa chữa, bổ sung trang thiết bị của các điểm trường trên địa bàn huyện.

* Thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục

Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thường xuyên hướng dẫn và khuyến khích các trường tổ chức các chuyên đề theo cụm trường, chuyên đề cấp huyện, tỉnh; sinh hoạt chuyên môn liên trường trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác dạy và học. Hầu hết các đơn vị đều tích cực tham gia các hoạt động này và mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng: Năm học 2022-2023, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững. Hiện ngành đang xây dựng đề án về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông mới, định hướng theo trường chuẩn quốc gia.

Ngoài việc được đầu tư nâng cấp trường lớp, quan tâm đến công tác giáo dục, chuẩn bị cho năm học mới, học sinh là người dân tộc, học sinh thuộc hộ nghèo cũng được cả xã hội chung tay quan tâm. Hội Khuyến học tỉnh đã có kế hoạch trao học bổng, tặng tập vở cho hàng trăm học sinh nghèo với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng trước thềm năm học mới.

Gần đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cấp, ngành tỉnh tổ chức trao 200 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cùng với tập vở dành cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó học tốt khu vực biên giới biển; trong đó có 38 em được Bộ đội biên phòng Sóc Trăng trợ cấp thường xuyên mỗi tháng 500.000 đồng trong chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Phấn khởi khi nhận được học bổng từ Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh, em Đào Sầm Nạng, học sinh lớp 9, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, chia sẻ: Năm học mới, em sẽ dùng số tiền này để mua dụng cụ học tập và cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ và các chú, các bác đã tài trợ học bổng…

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và ngành Giáo dục, những hoạt động đồng hành, chung sức chăm lo cho học sinh nghèo khu vực biên giới biển, trẻ em đồng bào dân tộc Khmer là những tín hiệu tích cực, tạo động lực cho công tác giáo dục của địa phương tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm