Năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả đặc sản Tiền Giang sẽ được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu

Năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả đặc sản Tiền Giang sẽ được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu

Tỉnh Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả đặc sản được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Đây là một trong những mục tiêu của địa phương. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 83.000 ha vườn trồng cây ăn quả cho sản lượng mỗi năm khoảng 1,6 triệu tấn trái cây với nhiều đặc sản có giá trị xuất khẩu cao như sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, thanh long....

Tiền Giang đang nắm bắt cơ hội thuận lợi được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh sang Trung Quốc và các nước khác; đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh tại địa phương.

Năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả đặc sản Tiền Giang sẽ được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu ảnh 1Đa dạng sản phẩm nông sản, trái cây tỉnh Tiền Giang được giới thiệu tại sự kiện Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh . Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN.

Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh có trên 20.300 ha cây ăn trái được cấp 279 mã số vùng trồng xuất khẩu, gồm 71 mã số vùng trồng mít với diện tích trên 8.500 ha, 78 mã số vùng trồng thanh long với diện tích trên 6.100 ha, 32 mã số vùng trồng xoài với diện tích gần 1.600 ha…; trong đó, có 183 mã số vùng trồng được cấp xuất sang Trung Quốc với diện tích trên 19.000 ha gồm các chủng loại: mít, thanh long, sầu riêng, xoài, chôm chôm... - ông Mẫn thông tin.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 307 cơ sở đóng gói được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu; trong đó sang thị trường Trung Quốc có 299 mã số, còn lại xuất sang thị trường các nước khác như Hoa Kỳ, Australia…

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang tiếp nhận xử lý thêm 210 hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích vườn quả trên 9.100 ha; đồng thời, tiếp nhận xử lý thêm 93 hồ sơ đăng ký cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc. Mục tiêu năm 2023, Tiền Giang sẽ có trên 25.800 ha vườn cây ăn quả đặc sản được cấp mã số vùng trồng; trong đó, có gần 7.800 ha sầu riêng xuất khẩu.

Năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả đặc sản Tiền Giang sẽ được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu ảnh 2Ông Nguyễn Văn Nhã tại xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) chăm sóc vườn mít. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, là địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp phía Tây tỉnh Tiền Giang, huyện đã có 42 mã số vùng trồng được cấp với diện tích hơn 3.100 ha cây trồng; trong đó, sầu riêng 23 mã với hơn 1.300 ha, mít 15 mã với 1.047 ha, chôm chôm 1 mã với 203 ha, nhãn 1 mã với 300 ha, dưa hấu 2 mã với 290 ha. Từ nay đến cuối năm 2023, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng thêm 2.500 ha sầu riêng, khoảng 3.000 ha lúa và 150 ha sa pô chê.

Giám đốc Hợp tác xã Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) Phạm Văn Nuôi phấn khởi cho biết, Hợp tác xã được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch cho gần 780 ha, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng. Hiện Hợp tác xã Cẩm Sơn thành lập 4 tổ giám sát mã số vùng trồng ở 100% số ấp trong xã. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa, Công ty TNHH Thiện Toàn, Công ty TNHH Song Toàn Phát, Công ty TNHH trái cây Hồng Sang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung… tiêu thụ, xuất khẩu trái sầu riêng.

Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, đến nay, hợp tác xã liên kết với nông dân tại xã Ngũ Hiệp xây dựng và được cấp mã số vùng trồng đạt trên 200 ha. Hợp tác xã đang tiếp tục tập huấn nông dân về xây dựng mã số vùng trồng, kỹ thuật canh tác sầu riêng đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc trên diện tích tăng thêm khoảng 200 ha trong thời gian tới.

Theo ông Lộc, việc tổ chức lại sản xuất, nâng chất lượng nông sản để đạt tiêu chí và được cấp mã số vùng trồng nói chung, trên cây sầu riêng nói riêng hết sức quan trọng, giúp tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa xuất khẩu, ổn định đầu ra và nông dân hưởng lợi.

Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang Ông Võ Văn Men cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây khi thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác đang dần rộng mở cho trái cây Việt Nam. Chi cục tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và nông dân lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gắn với tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản.

Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo phân cấp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng; hỗ trợ hội viên kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các vùng trồng được cấp mã số...

Cùng đó, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; bố trí cán bộ làm đầu mối tuyên truyền hướng dẫn thiết lập vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng khi được cấp mã số…

Ngoài ra, Tiền Giang còn xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng thí điểm tại một số địa phương trồng sầu riêng trọng điểm để quản lý vùng sản xuất trồng trọt một cách chặt chẽ và thuận lợi hơn; tránh việc cấp mã số vùng trồng trùng lặp trên cùng một diện tích.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm