Mùa Thu trên quê hương cách mạng Cẩm Hưng

Trên quê hương cách mạng Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mùa Thu nay mang một màu sắc mới – màu của ấm no, hạnh phúc. Phát huy những giá trị của một vùng quê có bề dày truyền thống cách mạng, là quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Cẩm Hưng đang nỗ lực từng ngày, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hào khí cách mạng

Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ đồng chí Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tường, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác.

138d4202603t39308l0.jpg
Khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại thôn Hưng Thắng. Ảnh: baohatinh.vn

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống, đồng chí Hà Huy Tập sớm được hun đúc khí chất cứng cỏi, cương trực, thanh bạch của tầng lớp chí sỹ đương thời, hình thành nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng vì dân, vì nước. Với 35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập (24/4/1906 - 28/8/1941) đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam.

Quê hương Cẩm Hưng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 1930, hòa chung phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 17/7/1930 tại miếu Cồn Thờ (nay thuộc thôn Hưng Tiến, xã Cẩm Xuyên), Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên được thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ nhất, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Huyện ủy đầu tiên gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Liễn làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp toàn huyện.

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta, người dân Cẩm Hưng đã hăng hái đóng góp sức người, sức của vào công cuộc giải phóng dân tộc. Có 141 liệt sĩ là con em Cẩm Hưng đã ngã xuống trên các chiến trường. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Cẩm Hưng là địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch, nhân dân Cẩm Hưng đã hăng hái dũng cảm tham gia phục vụ chiến đấu, đắp đường, sửa bến phà, kép pháo và vận chuyển hàng hóa. Bà con đã đóng góp hàng ngàn cây tre, tấm phên để chống lầy cho xe ra chiến trường.

Trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cẩm Hưng đã và đang phát huy tinh thần, hào khí cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Sức sống mới trên quê hương cách mạng

Những ngày mùa Thu này, vùng quê cách mạng Cẩm Hưng lại khoác lên mình sắc màu của no ấm. Những cánh đồng lúa vụ Hè-Thu trĩu bông đã vào vụ thu hoạch, lúa được mùa, được giá nên trên những gương mặt bà con ai cũng rạng rỡ, phấn khởi. Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Dũng vui mừng chia sẻ: Toàn xã có 1.150 ha trồng lúa, nhờ bà con chăm sóc tốt, cùng với thời tiết thuận lợi nên vụ này năng suất lúa của bà con đạt 57,5 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân toàn tỉnh.

138d4202708t81592l0.jpg
Người dân thôn Hưng Thắng chỉnh trang cảnh quan, vườn tược. Ảnh: baohatinh.vn

Tự hào là quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Hưng đã chung sức, đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tranh thủ tối đa các nguồn lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, giành nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là thi đua phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Theo chân cán bộ Hội nông dân xã Cẩm Hưng, chúng tôi đến thôn Hưng Thành, một trong những thôn kiểu mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thôn Hưng Thành có 185 hộ với hơn 300 nhân khẩu, đời sống bà con chủ yếu nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay giao thông trong toàn thôn đã được bê tông hóa, đường làng ngõ xóm được mở rộng lên từ 5 mét.Trong thôn có nhiều vườn mẫu đạt chuẩn, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, điển hình như mô hình vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Đình Trường, Bí thư chi bộ thôn Hưng Thành với mô hình trồng ổi lê giống Đài Loan.

Ông Nguyễn Đình Trường chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng, bà con nhân dân luôn hăng hái tham gia tích cực mọi phong trào xây dựng quê hương, quá trình xây dựng nông thôn mới đều nhận được sự đồng thuận từ cấp ủy đến toàn thể nhân dân.

Mặc dù xuất phát điểm thấp, sản xuất thuần nông nhưng năm 2017, nhân dân và cán bộ Cẩm Hưng đã chung sức, đồng lòng xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện nay đang tập trung nâng cao các tiêu chí. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 48 triệu đồng.

138d4202803t14244l0.jpg
Cẩm Hưng phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: baohatinh.vn

Phong trào thi đua phát triển kinh tế cũng đang được lan tỏa trong toàn xã Cẩm Hưng với các mô hình vườn hộ, trong đó cây đào cảnh, cây ổi… là những cây trồng chủ lực. Theo thống kê, toàn xã Cẩm Hưng hiện có hơn 500 hộ dân trồng cây đào hàng hóa phục vụ thị trường tết, tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Hưng Thắng, Hưng Trung, Hưng Tân. Trong đó, có trên 200 hộ trồng với quy mô lớn từ 150 đến 500 gốc đào, đưa lại nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ.

Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đảng ủy, chính quyền xã Cẩm Hưng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo khí thế sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Dũng chia sẻ: Truyền thống cách mạng của quê hương luôn là niềm tự hào và là hành trang quý giá đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây. Trong công cuộc đổi mới ngày nay, người dân Cẩm Hưng luôn nỗ lực học hỏi, tiếp cận khoa học, công nghệ, làm giàu trên chính quê hương.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm