Ngày 27/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, mưa lớn kèm dông lốc tại nhiều địa phương trong tỉnh từ ngày 23-26/8 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu và các công trình giao thông, trường học... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến 10 giờ ngày 27/8, mưa lớn là có 24 nhà của người dân các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên bị ảnh hưởng do ngập nước và sạt taluy dương; gần 170 ha lúa bị thiệt hại (trong đó huyện Bảo Thắng bị thiệt hại nặng nhất với 150 ha); gần 20 ha thủy sản bị thiệt hại ở mức độ trên 70%; khoảng 1.000 con gia cầm bị ngập nước chết.
Mưa lốc khiến Nhà văn hóa xã A Mú Sung, huyện Bát Xát bị sập gian nhà cấp 4 do cây đổ đè vào. Khu vực Trường Tiểu học Lù Dì Sán 1, xã Sán Chải (Si Ma Cai) xuất hiện cung sạt taluy dương chiều rộng 40m, chiều dài đến đỉnh cung sạt 20m, chiều cao trung bình cung sạt 8-10m với khối lượng đất đá khoảng 10.000 m3. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tại khu vực này, địa chất không đảm bảo, nhiều đá mồ côi có nguy cơ sạt lở cao xuống điểm trường gây mất an toàn cho việc giảng dạy và học tập của nhà trường.
Tỉnh lộ 151 và 152 đoạn thuộc địa phận huyện Bảo Thắng có hai tuyến sụt taluy âm. Trong đó, tuyến thuộc địa phận xã Sơn Hải (tỉnh lộ 151) bị sụt chiều dài 20m với khoảng 540 m3 đất đá. Tuyến địa phận xã Xuân Giao (tỉnh lộ 152) sạt ta luy dương hai điểm với khoảng 1.500 m3 đất đá. Ngoài ra, 4 tuyến đường khác do huyện Bảo Yên, Bảo Thắng quản lý cũng bị sạt lở ta luy dương với khối lượng gần 700m3 đất đá.
Ngay sau khi xảy ra ảnh hưởng do mưa lốc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã kiểm tra, thống kê thiệt hại; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khắc phục ảnh hưởng. Các địa phương có diện tích lúa, hoa màu bị ngập thống kê thiệt hại, khơi thông dòng chảy, vệ sinh đồng ruộng sau khi nước rút để bảo vệ sản xuất. Đến nay, các diện tích lúa, hoa màu ngập úng nước đã rút. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, các huyện chỉ đạo các xã khắc phục tạm thời, trồng dặm, trồng mới hoặc có phương án chuyển đổi cây trồng mới để đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Đối với các công trình hạ tầng bị hư hỏng, UBND huyện Bảo Yên, Bảo Thắng đã chỉ đạo và yêu cầu UBND các xã, thị trấn sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Để đảm bảo an toàn cho công tác giảng dạy và học tập, UBND huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Sán Chải thực hiện căng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực cung sạt đồng thời di chuyển ngay cơ sở vật chất đến điểm trường Lù Dì Sán 2.
Hương Thu