Hạt dẻ Trùng Khánh hay còn gọi là dẻ ván là loại cây quý, vừa cho hạt vừa cho gỗ. Ảnh: nhanongxanh.vn |
Là cây thân gỗ có lịch sử hàng nghìn năm gây trồng để làm lương thực thực phẩm. Hàm lượng tinh bột 40 - 60%, đường 10 - 22%, protein 5 - 11%, chất béo 2 - 7,4%, nhiều vitamin A, B1, B2, C, nhiều chất khoáng, thơm ngon, bổ, ăn thay lương thực hoặc chế biến thành kẹo bánh, bột dinh dưỡng cho người già và trẻ em, ngoài ra có tác dụng bổ thận. Đây cũng là cây xoá đói giảm nghèo, tạo hàng xuất khẩu.
Dẻ ván là loài cây đòi hỏi thụ phấn chéo khá điển hình. Tỷ lệ đậu quả trong trường hợp thụ phấn trong 1 dòng vô tính thường rất thấp. Do vậy, cần coi trọng việc tuyển chọn cây phối hợp để cấp phấn hoa, là điều kiện quan trọng để nâng cao sản lượng, chất lượng và tối ưu hoá mùa thu hoạch trong trồng cây dẻ ván ghép.
Khi quả dẻ chín và tự rụng xuống đất, người dân sẽ nhặt từng quả mang về rồi tách vỏ. Ảnh: baocaobang.vn |
1. Chuẩn bị đất
- Đào hố lớn và lót phân. Quy cách hố 1mx1mx1m. Mỗi hố phải lót phân chuồng, phân rác 50kg, phân tinh 10kg, super phốt phát 0,5 kg, trộn lẫn với đất mặt và cỏ rác rồi lót thành tầng thành lớp. Lớp dưới cùng 1/3 đáy hố, cần lót đất mặt và cỏ rác, 1/3 phía trên lót bằng hỗn hợp phân chuồng, phân rác và đất mặt, tầng trên cùng 1/3 chiều sâu hố phủ bằng hỗn hợp Super phốt phát với đất mặt. Cuối cùng phải lèn chặt đảm bảo cho đất trong hố hơi cao hơn bên ngoài rồi phủ thêm 1 lớp mỏng bằng lớp đất tầng B.
2. Kỹ thuật trồng
- Trồng 4m x 4m/cây (khoảng 625 cây/ha) hoặc có thể trồng mật dộ dày hơn.
- Khi vận chuyển đến nơi trồng rừng, phải để cây con được hút nước no, ngâm bộ rễ ngập trong nước 12 giờ, sau đó hồ rễ bằng bùn loãng rồi đem trồng ngay.
- Mở 1 lỗ nhỏ trong hố đã được chuẩn bị như trên, đặt cây con ngay ngắn vào lỗ rồi rải đất bột phủ kín rễ, sau đó hơi nhấc nhẹ gốc cây cho bộ rễ được dàn trải thoải mái trong lớp đất bột, cuối cùng phủ đầy đất rồi dẫm chặt đảm bảo cho đất bột ép chặt vào rễ.
- Độ sâu trồng cây phải đảm bảo cho lớp đất phủ cuối cùng cao hơn xung quanh, sau cùng cần phủ thêm 1 lớp đất tơi và cỏ rác để giữ ẩm. Trồng xong, tưới nước đảm bảo cố định được bộ rễ trong đất. Về sau nếu trời khô hạn kéo dài mỗi tuần phải tưới nước 1 lần.
3. Chăm sóc và bảo vệ
- Khi cây mọc cao được 50 - 80cm, thì bắt đầu định hình phần gốc của thân cây: bấm ngọn, sau khi đâm cành thì chọn giữ 3 - 4 cành phân bố đều và mọc so le nhau làm cành chính, chọn cành có góc mở (so với ngọn thân) khoảng 50 - 700. Nếu góc mở không đúng cần néo dây chỉnh hình, khi cành mọc dài được 30 cm, cần bấm ngọn để phân nhánh.
- Với cây 1 - 2 năm tuổi mỗi năm phải bấm ngọn 3 - 4 lần để thúc đẩy phân nhánh. Đến mùa rụng lá cần xén tỉa những cành quá già.
- Tăng cường quản lý đất: làm cỏ xới đất dưới vùng tán lá, loại trừ cỏ tạp có tính cạnh tranh mạnh. Trồng xen cây họ đậu hoặc cây phân xanh. Cày úp cây phân xanh và cỏ dại để cải tạo đất. Từng bước hình thành các thềm bậc thang trong thấp ngoài cao để giữ nước và chống xói mòn. Nên tạo thảm xanh không có độc, tốt nhất là gây trồng nhân tạo cây họ đậu và các cây có tác dụng cải tạo đất để phủ kín mặt đất vừa giữ đất giữ ẩm và giữ mát cho đất trong mùa hè, cải thiện môi trường sống cho cây dẻ.
- Cải thiện chế độ nước và phân bón: Đặc biệt là 2 năm đầu, nên bón ít nhưng nhiều lần. Đầu mùa sinh trưởng cứ 1 -2 tháng bón thúc 1 lần bằng phân đạm hoặc phân phức hợp mỗi gốc từ 50 - 100 gam.
- Bộ rễ thường bị mối và ấu trùng bọ hung phá hoại, tán lá thường bị phá bởi sâu cắn lá. Cần theo dõi và phòng trị kịp thời.
Theo khuyennongvn.gov.vn