Một ngôi làng “đặc biệt” trên thảo nguyên Ruộng Đò

Đồng bào Hre tăng gia sản xuất. Ảnh: Phước Ngọc – TTXVN
Đồng bào Hre tăng gia sản xuất. Ảnh: Phước Ngọc – TTXVN

Một ngôi làng “đặc biệt” được dựng lên giữa rừng phòng hộ đầu nguồn xã Thanh An, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đó chỉ có 4 căn nhà của các hộ đồng bào Hre. Họ lên đây sau ngày giải phóng, sống hài hòa với đại ngàn hùng vĩ, tìm kế sinh nhai và duy trì đến ngày hôm nay.

Một ngôi làng “đặc biệt” trên thảo nguyên Ruộng Đò ảnh 1Đồng bào Hre tăng gia sản xuất. Ảnh: Phước Ngọc – TTXVN

Hằng năm, các hộ này lại vượt núi cao, dốc dựng đứng, men dọc theo con sông Phước Giang để lên ngôi làng. Trong hành trình ấy, họ gùi theo trên lưng rất nhiều lương thực, nhu yếu phẩm. Một thảo nguyên bằng phẳng, đẹp đẽ với cái tên gọi khá ấn tượng là Ruộng Đò được họ chọn để định cư trong thời gian 6 tháng và chỉ trở về nhà chính khi sắp đến vụ mùa hoặc dịp Tết.

Ở đây, 4 hộ dân cùng chọn nghề chính là chăn thả trâu. Hộ ít nhất sở hữu 7 con, nhiều nhất gần 20 con. Họ còn trồng chè xanh, khai thác tre, nứa trong rừng về đan các vật dụng như rổ, rá, gùi… để bán cho thương lái dưới xuôi. Sinh kế này giúp họ có khoản thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng/năm.

Già Đinh Trới cho biết, hồi xưa lên đây sợ lắm, cọp beo còn nhiều, lúc nào cũng phải thủ sẵn con dao, cây rựa bên người đề phòng sự cố bất trắc, nhất là khi một mình vào rừng. Giờ thú dữ bỏ đi vùng khác sống, mình thấy yên tâm hơn.

Già Trới dẫn chúng tôi ra vườn chè cạnh nhà sàn của ông. Chỉ tay vào những thân chè cổ thụ cao quá đầu người lớn, ông cho biết: "Nó có từ hồi chiến tranh. Sau đó, chúng tôi lên mới bắt đầu cải tạo đất, trồng thêm, nay chẳng khác gì “rừng chè” cả".

“Chè Minh Long rất nổi tiếng với hương vị đậm đà hiếm có, được nhiều người ưa chuộng nên thi thoảng lại có lái buôn len lỏi lên đây thu mua. Mỗi năm, vợ chồng tôi bán được khoảng 20- 30 triệu đồng”- ông Trới chia sẻ.

Cuộc sống còn rất khó khăn, thiếu điện, thiếu thuốc men lúc đau ốm, thậm chí thiếu cả lương thực khi lũ đầu nguồn đổ về gây chia cắt, cô lập. Thế nhưng, các hộ dân vẫn quyết bám trụ với thảo nguyên Ruộng Đò và tâm niệm chỉ rời làng khi già yếu, bởi nơi đây đã trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi người.

Ông Đinh Văn Lang thổ lộ, hết lương thực, ra suối bắt con cua, con cá, hái rau rừng để ăn. Ở đây chẳng khi nào sợ chết đói cả.

"Gắn bó với nơi này từ hồi còn bé nên giờ chẳng muốn xuống dưới. Ở đây không khí trong lành, mát mẻ, cảm thấy người khỏe khoắn, dễ chịu. Chỉ khi nào già yếu, tôi mới nghĩ đến chuyện đó”, già Trới cười nói.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn nảy sinh là việc chăn thả trâu của các hộ dân khiến cho nguồn nước thượng nguồn sông Phước Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của khu du lịch sinh thái Thác Trắng nằm dưới hạ nguồn.

Ông Đinh Ê Hoàng, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho hay, trong các năm 2016, 2017, xã có lên vận động bà con lùa trâu về dưới làng chính để chăn thả. Do đã quen với tập quán, họ vẫn thường xuyên ở trên đó.

Ông Trần Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long thông tin, chăn thả trâu với số lượng lớn như vậy, chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, huyện sẽ tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc thả rông, đồng thời có biện pháp đưa toàn bộ số trâu này ra khỏi thảo nguyên, vì nếu để như vậy sẽ rất khó cho việc định hướng phát triển các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, trải nghiệm, về nguồn.

Việc chăn nuôi trâu, mở ra hướng làm giàu bền vững cho đồng bào Hre là điều đáng khích lệ. Do đó, các cấp chính quyền cần sớm có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tìm vị trí mới thích hợp, thuận lợi hơn để các hộ dân chăn thả gia súc, vừa duy trì được sinh kế cho họ vừa thúc đẩy du lịch địa phương phát triển bền vững.

Lê Phước Vĩnh Trọng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm