Mở rộng diện tích giống sắn sạch, kháng bệnh ở Kon Tum

Mở rộng diện tích giống sắn sạch, kháng bệnh ở Kon Tum

Nhằm hỗ trợ cho người dân và cải thiện diện tích sắn mắc bệnh trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu và triển khai mô hình “Sản xuất sắn giống sạch bệnh” tại thành phố Kon Tum.

Mô hình này được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum triển khai vào tháng 9/2021 tại xã Kroong, Đăk Năng, phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) và xã Hơ Moong, Sa Bình (huyện Sa Thầy); có 50 hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia trồng với diện tích là 34 ha sắn sạch bệnh.

Loại giống sử dụng là loại giống KM140 với tổng chi phí hỗ trợ các hộ dân thực hiện mô hình là hơn 400 triệu đồng. Người dân khi tham gia mô hình được đăng ký trồng tối đa 1 ha sắn và được nhà nước hỗ trợ 70% hom giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 30% còn lại người dân tự đối ứng.

Mở rộng diện tích giống sắn sạch, kháng bệnh ở Kon Tum ảnh 1Cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích sắn. Ảnh: TTXVN phát

Trong mùa vụ năm 2021, dịch bệnh khảm lá sắn đã ảnh hưởng lớn đến diện tích sắn của gia đình anh Ngô Tuấn Anh (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) khiến năng suất không đạt, lợi nhuận thu về thấp. Do đó, khi biết Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum triển khai mô hình “Sản xuất sắn giống sạch bệnh” anh liền đăng ký tham gia.

Anh Ngô Tuấn Anh cho biết, thông qua mô hình, anh Ngô Tuấn Anh đã được các cán bộ Chi cục tập huấn 3 lần; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh khảm lá sắn và các loại sâu, bệnh khác trên cây sắn; thực hành trực tiếp các bước trồng, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, nhận diện cây sắn bị bệnh khảm lá do virus và nhổ bỏ, tiêu hủy cây sắn bị bệnh; nhận diện bọ phấn trắng, cách phun thuốc trừ bọ phấn trắng hiệu quả và lựa chọn giống không bị nhiễm bệnh tại ruộng sắn của gia đình.

Bên cạnh đó, anh Tuấn Anh cũng đầu tư 36 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước và bón phân nhỏ giọt nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Việc làm này đã giúp năng suất của cây mì tăng lên khoảng từ 50 – 60% so với cách tưới thông thường. Hiện tại, diện tích 1 ha sắn của gia đình anh đang phát triển tốt và ít xuất hiện các loại bệnh trên cây.

Ông Vũ Văn Đản – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, mô hình “Sản xuất sắn giống sạch bệnh” khi được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều hộ nông dân trên địa bàn.

Mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết được nguồn giống không đảm bảo; giúp người dân biết được cách loại bỏ những cây có bệnh, mang lại diện tích sắn khoẻ mạnh, sạch bệnh. Sau thời gian trồng, diện tích 34 ha sắn sạch bệnh cho tỷ lệ cây sống sau trồng đạt trên 95% và cơ bản không xuất hiện bệnh khảm lá.

“Trong quá trình canh tác, người dân phải thường xuyên kiểm tra tình trạng cây sắn, nếu phát hiện cây nhiễm bệnh thì tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy hết mầm bệnh; đồng thời, tiến hành phun trừ bọ phấn trắng để tránh lây lan ở diện rộng, đảm bảo được năng suất và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân", ông Vũ Văn Đản cho biết thêm.

Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đã làm việc với Viện Di truyền Nông nghiệp để đưa giống sắn HN3 và HN5 vào trồng và tiến hành nhân giống tại địa phương. Đây là những giống sắn có khả năng kháng bệnh và tự sinh trưởng tốt.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại trên diện tích đã trồng.

Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến cáo các hộ nông dân phải thường xuyên chăm sóc, làm cỏ, tưới nước trong mùa khô và phòng, trừ sâu bệnh hại kịp thời nhằm đảm bảo đến khi thu hoạch sẽ đạt được các tiêu chí của giống sắn sạch bệnh khảm lá.

Trong năm 2021, tỉnh Kon Tum có gần 700 ha diện tích sắn mắc bệnh khảm lá, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm