Mô hình hiệu quả của đoàn viên, thanh niên huyện biên giới Bù Đốp, Bình Phước

Cá Koi là mô hình mới tại vùng biên Bình Phước. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Cá Koi là mô hình mới tại vùng biên Bình Phước. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Tại huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước), mô hình đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp nuôi cá Koi được xem là mô hình mới mẻ ở vùng biên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình hiệu quả của đoàn viên, thanh niên huyện biên giới Bù Đốp, Bình Phước  ảnh 1 Cá Koi là mô hình mới tại vùng biên Bình Phước. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Anh Trần Xuân Ngọc (30 tuổi) ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến là một trong những thanh niên tiêu biểu ở địa phương đưa mô hình nuôi cá Koi trở thành sản phẩm nông nghiệp thành công đầu tiên của huyện biên giới Bù Đốp trong hơn 5 năm qua. Theo đó, khoảng 10 năm trước, anh Ngọc nuôi cá thương phẩm, thu nhập không ổn định, thị trường tiêu thụ không cạnh tranh so với giống cá ở các vùng khác. Đến năm 2011, Ngọc dần chuyển sang nuôi cá Koi. Thời gian đầu, Ngọc chỉ nuôi theo niềm đam mê cá kiểng. Sau thời gian nuôi, anh nhận thấy giống cá này dễ nuôi, dễ nhân giống và phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương đang sống. Sau đó, Ngọc quyết định đầu tư hơn 3 ha diện tích mặt nước trên địa bàn để nuôi tự nhiên.

Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đến nay Trần Xuân Ngọc đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi cá Koi và mỗi năm thu lợi vài trăm triệu đồng cho gia đình. Đoàn viên Trần Xuân Ngọc cho biết: "Lúc đầu tôi nuôi vì đam mê. Tuy nhiên, vài tháng sau cá phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế nên tôi đã đầu tư phát triển mạnh, nhân rộng từ vài trăm con đến vài nghìn con”.

Hiện nay, trong hồ cá của Ngọc đã phát triển khoảng 10 tấn cá các loại, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người mua. “Cá Koi có nguồn gốc từ Nhật Bản, thuộc họ cá chép và được nhiều người Việt Nam nuôi chơi cảnh trong nhà hoặc khuôn viên sân vườn. Việc nuôi với số lượng lớn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc bài bản, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, thức ăn đảm bảo vừa đủ, không nên cho ăn quá nhiều. Ngoài ra, nếu nguồn thức ăn dư thừa sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, cá dễ mắc bệnh, không đạt yêu cầu của khách hàng thì sẽ khó bán”, Trần Xuân Ngọc chia sẻ.

Với giá bán cá Koi các loại dao động từ 300-700 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình Ngọc thu về từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng mua cá cũng giảm nhưng số lượng hàng vẫn khá lớn. Khách hàng tiêu thụ chủ yếu từ những người có đam mê chơi cá cảnh, chủ các khu du lịch, quán cà phê từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong một lần tham quan mô hình hiệu quả của Trần Xuân Ngọc, đoàn viên Trịnh An Nhàn, cũng ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, đã tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi cá Koi. Năm 2016, nhờ sự hỗ trợ của gia đình, Nhàn quyết định đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi lên 1 ha. Nhàn cho biết, là loài cá ưa nước sạch nên hệ thống ao nuôi luôn phải đảm bảo nguồn nước lưu thông ra, vào, tạo độ trong cho nước, cá sẽ không bị bệnh và phát triển tốt. Để đảm bảo cung cấp cá liên tục cho thị trường, yếu tố về thẩm mỹ, màu sắc, hình dạng cá phải đẹp. Màu sắc, hoa văn của cá phải rõ ràng, cá khỏe mạnh… khách mua mới ưu chuộng và được giá cao.

Bằng sự nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi, mô hình của đoàn viên Trịnh An Nhàn đang phát triển tốt. Mỗi năm, Nhàn có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Mô hình hiệu quả của đoàn viên, thanh niên huyện biên giới Bù Đốp, Bình Phước  ảnh 2Cá Koi là mô hình mới tại vùng biên Bình Phước. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Trước tiềm năng phát triển của mô hình cá Koi, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tham gia mô hình khởi nghiệp nuôi cá Koi, đầu tháng 11/2021, Huyện đoàn Bù Đốp phối hợp với địa phương thành lập Tổ hợp tác nghề nuôi cá Koi với 15 thành viên là đoàn viên, thanh niên có chung sở thích tham gia. Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp Hồ Bá Toàn cho biết: Sau khi mô hình nuôi cá Koi của đoàn viên, thanh niên mang lại hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương, chúng tôi thành lập mô hình Tổ hợp tác nghề nuôi cá Koi trong thanh niên. Đây là một hướng đi mới nhằm tạo động lực để thanh niên mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế và tạo ra giá trị sản phẩm mới cho thị trường. Đây cũng là mô hình đầu tiên ở địa phương được đầu tư và bán các loại cá Koi.

“Hiện nay, diện tích ao hồ trên địa bàn huyện còn rất lớn, nhưng người dân cũng như đoàn viên, thanh niên chưa tận dụng hết diện tích ao hồ này. Nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao. Mô hình cá Koi sẽ là bước đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho đoàn viên, thanh niên ở vùng biên”, Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp cho biết thêm.

Địa hình huyện Bù Đốp với đặc thù là vùng bán trung du diện tích mặt nước tương đối nhiều. Việc phát triển loài cá này rất phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như hiệu quả kinh tế trong những năm gần đây. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết: Mô hình này là hướng đi đúng đắn trong chương trình đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp huyện đề ra. Thời gian tới, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ Tổ hợp tác nuôi cá Koi của thanh niên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, kỹ thuật canh tác nuôi trồng, chính sách đăng ký sản phẩm, kết nối tạo thị trường tiêu thụ và tiến tới thành lập hợp tác xã. Ngoài ra, địa phương sẽ đưa sản phẩm lên đạt tiêu chuẩn OCOP để phục vụ các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

Hướng đi mới của đoàn viên, thanh niên ở huyện biên giới Bù Đốp mang lại nhiều cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ có niềm đam mê, nhiệt huyết để phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành thủy sản ở địa phương vùng biên.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm