Mô hình du lịch sinh thái mới lạ ở Bình Phước

Mô hình du lịch sinh thái mới lạ ở Bình Phước
Năm 2004, khi công trình Thủy điện Cần Đơn đi vào hoạt động, nhiều diện tích đất rừng tại huyện Bù Đốp bị nhấn chìm trong nước, hàng trăm diện tích bán ngập không còn cây cỏ, mỗi khi nước rút mùa khô giống như “sa mạc”. Để đảm bảo độ che phủ của rừng, năm 2012, các cán bộ, chiến sỹ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp triển khai trồng thí điểm 30 ha cây gáo nước và một số cây khác tại vùng bán ngập. Đến năm 2015, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt ngay cả khi bị nước ngập nửa thân. 
 
Cánh rừng cây gáo nước mọc xanh mướt tại hồ thủy điện Cần Đơn, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN
Cánh rừng cây gáo nước mọc  xanh mướt tại hồ thủy điện Cần Đơn, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Từ hiệu quả của chương trình phát triển rừng bán ngập phủ xanh, chống xói mòn đất, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương cho Hạt Kiểm lâm Bù Đốp lập dự án trồng thêm cây gáo nước ở tất cả các vùng bán ngập còn lại. Đến nay, tổng diện tích cây gáo nước tại huyện Bù Đốp lên đến gần 200 ha, tạo thành một khu rừng rộng lớn nằm xen lẫn với rừng tự nhiên. 

Ông Hoàng Ngọc Phong, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp cho biết: “Rừng tự nhiên nói chung, rừng bán ngập nói riêng đã tạo thành hệ sinh thái quan trọng ở khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Ngoài các loài động, thực vật sẵn có, khu vực này còn là nơi sản sinh ra nhiều loại cá, chim nước, chim di cư, một số loài động vật có xương sống, lưỡng cư bò sát... Rừng bán ngập có tác dụng to lớn trong việc bảo vệ bờ hồ, điều hòa khí hậu, hạn chế xói lở mỗi khi nước thủy điện rút vào mùa khô”. 

Hạt Kiểm lâm Bù Đốp bảo vệ hơn 6.000 ha rừng đầu nguồn kết hợp trồng rừng bán ngập, vẻ đẹp tự nhiên của khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện Cần Đơn thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Giữa năm 2017, nhằm nâng cao giá trị cảnh quan thiên nhiên của địa phương, huyện Bù Đốp đã triển khai xây dựng khu vực này thành điểm du lịch sinh thái gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng bán ngập; đồng thời, thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại, dịch vụ, du lịch Bù Đốp để quản lý du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ rừng đầu nguồn. 

Ông Nguyễn Văn Ách, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại, dịch vụ, du lịch Bù Đốp cũng là người đã từng gắn bó với rừng ở huyện Bù Đốp nhiều năm. Trong những năm tháng giữ chức Hạt trưởng Kiểm lâm, ông cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm ngoài làm tốt công tác bảo vệ rừng còn trồng rừng bán ngập tại Bình Phước. Ông Ách chia sẻ:  “Hệ sinh thái rừng tự nhiên với rừng bán ngập đếp nay đã thu hút cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học, làm phong phú các loại cây rừng. Việc nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên được đặt lên hàng đầu. Nhiều năm nay người dân không còn vào rừng khai thác gỗ hay săn bắn như trước đây”. 

Cánh rừng cây gáo nước mọc xanh mướt tại hồ thủy điện Cần Đơn, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN
Cánh rừng cây gáo nước mọc  xanh mướt tại hồ thủy điện Cần Đơn, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, khai thác du lịch sinh thái còn được tuyên truyền tại các trường học, qua việc tổ chức các tiết học ngoại khóa cho học sinh trên địa bàn đến 

thăm quan, tham gia các hoạt động bảo tồn, nâng cao nhận thức bảo vệ thiên nhiên, định hướng lâu dài cho các thế hệ. Ngoài rừng bán ngập độc đáo, lòng hồ còn có nguồn thủy sản phong phú, nhiều nhà bè xuất hiện kết hợp nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản. Hiện tại có hàng chục hộ đang kinh doanh tại đây với các nhà hàng, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. 

Với sản phẩm độc đáo của địa phương, ông Hà Anh Dũng - Bí thư Huyện ủy Bù Đốp khẳng định: Khu vực lòng hồ Thủy điện Cần Đơn là địa điểm huyện Bù Đốp quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái với mục tiêu không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn giải quyết lượng lớn lao động tại chỗ, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Sắp tới, huyện tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, đồng thời xác định xã hội hóa nguồn lực phát triển du lịch là tiền đề quan trọng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Có thể nói, mô hình rừng bán ngập quanh lòng hồ thủy điện Cần Đơn tại huyện Bù Đốp đã giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, tạo nên một sản phẩm du lịch sinh thái cực kỳ độc đáo, mới lạ tại Bình Phước, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với công tác bảo vệ rừng, việc phát triển rừng bán ngập góp phần làm đa dạng thêm vùng sinh thái quý giá cho địa phương vùng biên giới Bù Đốp.

K GỬIH 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm